Doanh nghiệp "ngấm đòn" tỷ giá

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ cộng với việc điều chỉnh nới biên độ tỷ giá VND/USD đang khiến doanh nghiệp trong nước bị tăng chi phí nhiều tỷ đồng.

Sức ép kinh doanh thua thiệt và phải móc hầu bao trả thêm khoản chênh không có trong dự tính đầu năm khiến các doanh nghiệp không khỏi “xót lòng”.

Doanh nghiệp "ngấm đòn" tỷ giá - 1

Nới biên độ tỷ giá VND/USD đang khiến doanh nghiệp trong nước bị tăng chi phí lớn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đội chi phí sản xuất

Một số doanh nghiệp (DN) ngành giấy cho biết, 2015 là năm khó khăn do sức ép cạnh tranh rất lớn, việc tỷ giá được điều chỉnh tăng 2% từ đầu năm và sau đó lại tiếp tục được “nới” biên độ thời gian qua khiến DN như bị bồi thêm gánh nặng. “Tỷ giá tăng đồng nghĩa các nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng khá mạnh, kéo theo chi phí đầu tư tăng theo. Giá thành tăng nhưng không thể tăng giá bán tương ứng do sức mua của thị trường thấp, sự cạnh tranh trên thị trường cao càng khiến DN gặp khó”, ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty giấy Sài Gòn cho biết.

Dự kiến năm 2015 công ty này chi 14 triệu USD để nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất. Tỷ giá tăng thêm 2%, khiến công ty bị đội chi phí ước chừng 280.000 USD, tương đương 6 tỷ đồng, DN càng gặp nhiều khó khăn.

Chị L.T. Hạnh, giám đốc một DN sản xuất cột thép ở Khu công nghiệp Mê Linh cho biết, thị trường thép từ tháng 3 trở lại đây đặc biệt trầm lắng. Nhiều DN trong ngành đã phải giảm bớt sản xuất vì đơn hàng ít. “Đơn hàng không nhiều, giá các công ty cạnh tranh sát sao, giờ thêm chi phí tăng lên do điều chỉnh tỷ giá càng khiến DN như ngồi trên đống lửa. Với mỗi hợp đồng nhập phôi khoảng 10 triệu USD, doanh nghiệp phải chi thêm hơn 2,1 tỷ đồng. Khó khăn càng thêm khó khăn”, chị Hạnh cho biết.

Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc Công ty MAST chuyên nhập khẩu phụ tùng và thiết bị, đồ chơi cho ô tô cũng đơn cử: với phụ tùng xuất khẩu (hàng Hàn Quốc nhưng hãng xuất khẩu cho thị trường các nước) phải mua bằng USD, tỷ giá tăng thời gian qua đã khiến doanh nghiệp nhập khẩu chịu tăng thêm khá nhiều. “Như một chiếc đĩa côn nhập từ Hàn Quốc trước bán 500 nghìn đồng giờ phải bán thành 530 nghìn. Tính cả một lô hàng nhập thì chi phí tăng thêm lên tới cả tỷ đồng”, ông Hùng cho biết. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ cũng khiến tập đoàn phải bù thêm hơn 300 tỷ đồng.

DN dệt may, thức ăn chăn nuôi lo lắng

Chủ tịch HĐQT một công ty may mặc có tiếng ở Bắc Giang xác nhận, tạm thời một số DN ngành dệt may xuất khẩu được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá. Tuy nhiên, từ tháng 9 tới, DN trong ngành sẽ chịu “thiệt hại kép” từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp thời gian qua.

“DN nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ tốn chi phí ít hơn so với trước đây nhưng điều này không hề đáng mừng. Chúng ta nhập khẩu được nguyên phụ liệu rẻ hơn chút nhưng hàng dệt may xuất khẩu của phía Trung Quốc giá cũng thấp tương ứng, thậm chí còn rẻ hơn hàng của Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, sức ép cạnh tranh rất lớn. DN dệt may nào phải ký hợp đồng trong tháng 10 tới chắc chắn sẽ chịu áp lực đòi giảm giá từ các đối tác”, vị này cho biết.

Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Cty CP Thanh Bình - doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, Cty của ông nhập khẩu khoảng 50-70 nghìn tấn nguyên liệu để sản xuất, khi tỷ giá được điều chỉnh, nới biên độ lên -+3% tương ứng hàng chục tỷ đồng chi phí tăng thêm. Cũng như các DN cùng ngành, về nguyên tắc, nguyên liệu tăng giá, các doanh nghiệp trước sau gì cũng đưa vào giá thành và sẽ nâng giá bán cám lên vì “nước nổi bèo nổi”.

Tuy nhiên, theo ông Bình, thị trường hiện nay vẫn phải chấp nhận bán theo giá cũ, rất khó tăng giá lên vì thời gian qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới như ngô, đậu tương… đang rẻ. Mặt khác, mặt hàng này đang cạnh tranh rất khốc liệt. “Với ngành chăn nuôi, trong đó có cám, tỷ giá chỉ là một phần. Điều đáng lo là những hiệp định thương mại sắp tới có hiệu lực thì thịt ngoại giá rẻ tràn vào, ngành sẽ gặp khó khăn”- ông Bình nói.

Do cám tiêu thụ chậm, nên nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu cũng đứng ngồi không yên. Một lãnh đạo DN nhập khẩu nguyên liệu thức ăn khu vực phía Nam cho biết, với những khoản vay chưa trả ngân hàng, khi điều chỉnh tỷ giá, DN “cắn răng” trả lãi. Ngoài ra, một số DN nhập khẩu phân bón cũng cho biết, việc tỷ giá tăng, sẽ được điều chỉnh vào giá bán sản phẩm. Lúc đó, một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, và người tiêu dùng phải gánh chịu.

Giám đốc một công ty chuyên về hóa dầu ở khu vực miền Bắc chia sẻ: Với biến động và tăng tỷ giá  từ đầu năm đến nay, chúng tôi phải chi thêm gần 70 tỷ đồng. Tỷ giá tăng khiến chi phí tăng theo nên sức cạnh tranh của các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất đưa ra thị trường bị giảm đi rất nhiều”, vị này cho biết.

Theo Phạm Tuyên - Phạm Anh
Tiền Phong

Doanh nghiệp "ngấm đòn" tỷ giá - 2