Doanh nghiệp nâng cao năng lực để phát triển bền vững

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tham gia Dự án 604 về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020, nhiều doanh nghiệp đã có những cải tiến tích cực.

Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012 - 2020" (Dự án 604) thuộc Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020" (Chương trình 712) đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp nâng cao năng lực để phát triển bền vững - 1

Doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất và chất lượng

Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Dự án 604 đã xây dựng và triển khai áp dụng gần 500 mô hình điểm trong các doanh nghiệp theo nhiệm vụ "Xây dựng mô hình điểm và dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý, công cụ cải tiến cho các ngành chủ lực", đạt số lượng cao nhất trong các Bộ, ngành thực hiện Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020". Các hệ thống quản lý dựa trên tiêu chuẩn như Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001, Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001…. Ngoài ra, các công cụ cải tiến NSCL cũng được doanh nghiệp áp dụng triển khai trong dự án như: Thực hành tốt 5S; Chỉ số hoạt động KPIs, Cải tiến liên tục Kaizen, Quản lý tinh gọn Lean, Nhóm kiểm soát chất lượng QCC, Duy trì hiệu suất tổng thể TPM, Kiểm soát bằng thống kê (SPC), Mô hình 6 Sigma, Thực hành sản xuất tốt GMP, Quản lý dòng nguyên liệu MFCA, Thẻ điểm cân bằng BSC…

Đồng thời, dự án cũng tiến hành đào tạo, tập huấn cho các học viên là cán bộ tư vấn và cán bộ của doanh nghiệp, 99% học viên đánh giá cao các nội dung đào tạo; 73% học viên cho biết các kiến thức đã học được áp dụng ở phạm vi toàn doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nâng cao năng lực để phát triển bền vững - 2

Sau 8 năm triển khai, dự án 604 đã bước đầu đón nhận những kết quả khả quan, được doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao. 99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, 85% đánh giá tác phong, thái độ làm việc của cán bộ công nhân viên cải thiện. Gần 70% doanh nghiệp đánh giá an toàn lao động được nâng lên. Gần 65% doanh nghiệp đánh giá năng suất lao động tăng lên. 57% doanh nghiệp đánh giá chất lượng sản phẩm được cải thiện, 55% đánh giá giảm lãng phí nguyên vật liệu, và 48% doanh nghiệp đánh giá có thay đổi trong thời gian giao hàng.

Trong những năm qua, hoạt động quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã được Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) tích cực đổi mới theo hướng chủ động tìm hiểu và tổ chức triển khai đảm bảo gắn kết mật thiết với các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực; phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nâng cao năng lực để phát triển bền vững - 3

Ông Trần Việt Hòa, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chia sẻ: "Có thể thấy việc coi doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương là một định hướng đúng đắn và phù hợp với bối cảnh hiện tại. Bên cạnh sự chỉ đạo thống nhất và sát sao từ các cấp, còn có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan."

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết Bộ sẽ hỗ trợ trực tiếp các tổ chức khoa học công nghệ, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm cho quá trình thương mại hóa chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương. Tập trung triển khai các hoạt động, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách thông qua các tổ chức tư vấn về công nghệ, về quản trị, đặc biệt là các tổ chức tư vấn trong việc chuyển đổi số, thực hiện áp dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn, các doanh nghiệp hiện nay cũng đang khởi tạo nhiều hoạt động phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực nội tại để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.