Doanh nghiệp mía đường với hội nhập: Lấy bền vững làm thước đo phát triển
Năm 2015 là năm thứ 5 liên tiếp ngành mía đường toàn cầu trải qua tình trạng thặng dư với với tổng lượng cung vượt hơn cầu hơn 2,8 triệu tấn. Đây cũng là khoảng thời gian mà sức nóng của ngành mía đường Việt Nam hiếm khi có dấu hiệu suy giảm khi lộ trình gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do buộc các doanh nghiệp nội địa phải tự mình đổi mới.
Sau hơn 30 năm được bảo hộ, trước yêu cầu chủ động hội nhập, lời giải duy nhất cho bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh chính là sự chuyển biến cần phát triển bền vững cùng cam kết gắn bó lâu dài, nhằm cộng hưởng các giá trị cho tất cả các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị ngành, đặc biệt là người nông dân.
Đặc thù của ngành mía đường là nguyên liệu mía chiếm đến 90% giá thành sản xuất, do đó bài toán giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố then chốt quyết định chuỗi giá trị ngành. Bên cạnh đó, năng suất và chữ đường thấp, canh tác manh mún, thiếu đồng bộ trong cơ giới cũng là một trong số các “nút thắt” điển hình cần được quan tâm tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năng suất mía nước ta chỉ đạt khoảng 62 tấn/ha, trong khi thế giới đạt trên dưới 120 tấn/ha; chữ đường trong cây mía Việt Nam cũng kém hơn các nước khi năng suất chỉ ở mức 5,4 tấn/ha, cách khá xa Thái Lan (hơn tám tấn/ha), Úc (gần 12 tấn/ha). Sự bất hợp lý trong chi phí sản xuất và chế biến khi so sánh với nhiều nước trong khu vục là nguyên nhân dẫn đến giá đường trong nước cao hơn thế giới nhưng lợi nhuận thấp.
Nhận thức được các tồn tại hiện hữu, đến nay, một số nhà máy mía đường đã chủ động có sự chuẩn bị kĩ càng và đầu tư bài bản về dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất, cũng như nỗ lực hướng tới các chính sách tối ưu để gia tăng sự hợp tác bền chặt với người dân trồng mía. Vai trò chủ động hiện nay vẫn thuộc về các nhà máy - nếu không đồng hành trong các chính sách đầu tư, hỗ trợ giống, tư vấn chăm sóc cây trồng, trang bị cơ giới hóa và đặc biệt là bảo hiểm chữ đường mà “mạnh ai người đó làm” thì vấn đề mãi mãi vẫn dừng ở tình trạng “môi hở răng lạnh”.
Có thể nói, việc “bỏ bảo hộ” ngành đường dù là câu chuyện hiển nhiên nhưng “bỏ bảo hộ” của doanh nghiệp mía đường với người nông dân trồng mía thì lại là câu chuyện ngược lại, và đến nay, đa số các doanh nghiệp đều có các chính sách để đồng hành tối đa cùng người dân trồng mía. Chỉ với phương châm “Nông dân có lời, nhà máy có lãi”, bài toán giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu mới được giải quyết tận gốc rễ.
Tại Tây Ninh, một trong các “địa bàn nóng” về vùng nguyên liệu với tình trạng cạnh tranh giống cây trồng, các chính sách điển hình của một số nhà máy đường như Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) có thể kể đến như đầu tư vốn ưu đãi lãi suất; hỗ trợ khoa học kỹ thuật qua áp dụng bộ giống mía cao sản đã qua chọn lọc, khảo nghiệm vào sản xuất; tưới mía hữu hiệu bằng năng lượng mặt trời; cơ giới hóa nhằm tiết giảm chi phí canh tác; quản lý canh tác, thu hoạch, vận chuyển để tiết giảm tối đa thất thoát, lãng phí. Với tổng số 3.300 hộ gia đình (10.000 lao động) đang hợp tác, tổng chi phí hỗ trợ không hoàn lại của TTCS trung bình đạt 20 tỷ đồng mỗi năm.
TTCS cũng là một trong các đơn vị tiên phong tại Đông Nam Bộ trong việc ký hợp đồng bảo hiểm chữ đường và giá thu mía với người nông dân ngay từ đầu mùa vụ. Giá mua mía trung bình trong vụ 2014 – 2015 ở mức 1 triệu đồng/tấn, cao hơn thị trường 15%. Công ty cũng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường trong công tác phục tráng và phát triển giống mía, mỗi năm sẵn sàng hỗ trợ không hoàn lại 10 tấn mía giống/hộ, đồng thời chủ động cung cấp phân bón chất lượng cho nông dân bằng việc mua số lượng lớn rồi phân phối với giá rẻ. Mùa vụ 2014 - 2015, nông dân vùng nguyên liệu của Công ty đã tiết giảm chi phí đến 1 triệu đồng/tấn mía nhờ những giải pháp nêu trên.
Mùa vụ 2015 – 2016, TTCS tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ cơ giới hóa, tài trợ nguyên vật liệu, chủ động áp dụng chính sách thu mua và đầu tư mới với nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, ngay từ đầu vụ đầu tư 2015 – 2016, TTCS ký cam kết giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng ở mức 1.060.000 đồng/tấn mía 10 CCS (chưa gồm trợ giá), đồng thời hỗ trợ bảo hiểm chữ đường từ 8,5 đến 9,5 CCS với tổng mức trợ giá tăng 40.000 đồng/tấn so với vụ trước. Nhằm khuyến khích bà con chủ động thu hoạch để đảm bảo chất lượng mía nguyên liệu, TTCS áp dụng mức thưởng đối với mía sạch, chữ đường cao với mức tối đa 30.000 đồng tấn. Trước vụ thu hoạch, ngày 3.12.2015 vừa qua, TTCS đã tổ chức cho nông dân đến nhà máy tham quan, khảo sát thực tế từng công đoạn lấy mẫu thử chữ đường và tạp chất. Công ty cũng ưu tiên sắp xếp lịch thu hoạch nhằm đảm bảo chữ đường và chất lượng của mía nguyên liệu, chủ động áp dụng chính sách hỗ trợ trồng mới, chi trả toàn bộ cho các hộ canh tác sau khi trồng với mức giá từ 8 đến 13 triệu đồng/ha nhằm giúp bà con an tâm chuyển đổi cây trồng.
Tương tự như câu chuyện về chăn nuôi, chúng ta luôn trăn trở làm sao giá sản phẩm gia súc trong nước chưa cạnh tranh, sản phẩm còn hay bị bệnh dịch, thậm chí sử dụng các chất hóa học không phù hợp cho sức khỏe người tiêu dùng…Câu trả lời một phần nằm ở việc cần tập trung hơn nữa việc phối kết hợp và đầu tư bài bản, có quy mô, giảm thiểu chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh. Có thể thấy, theo số liệu thống kê được công bố gần đây, thị trường thức ăn gia súc Việt Nam hiện nay có giá trị tương đương 6,2 tỉ đô la/năm, trong đó khoảng 2 tỉ là nguyên nhập liệu nhập để chế biến đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nông dân khó cạnh tranh. Nên quay lại câu chuyện, vấn đề hiện nay đang được quan tâm, đó là làm sao không chỉ doanh nghiệp mà cả người nông dân nuôi trồng cũng cần ý thức được tính cần thiết của sự đồng hành, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nếu không vấn đề sẽ luôn dừng lại ở việc đầu tư manh mún và không bài bản, khó khăn cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh….
PV