1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp “mệt” vì hóa đơn thừa

Cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn xử lý hóa đơn thừa áp dụng trên toàn quốc, tránh gây thêm khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp.

Trong buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn vướng mắc với doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM mới đây, cơ quan thuế đã khiến nhiều DN bối rối khi hướng dẫn rằng đối với hóa đơn DN tự in, nếu dùng không hết số lượng đã thông báo phát hành thì cuối năm phải thông báo hủy.

 

Lỡ nhận hóa đơn cũ thì sao?

 

Công ty Cổ phần Cơ khí và Đầu tư Ngôi Sao (huyện Nhà Bè) cho biết vào tháng 2-1013, khi mua hàng đã nhận được một hóa đơn ký hiệu …/12T, nghĩa là hóa đơn thuộc dạng do DN tự in (có chữ T là hóa đơn tự in, chữ E là hóa đơn điện tử, chữ P là hóa đơn đặt in) và phát hành trong năm 2012 (có số 12). Công ty này thắc mắc thì được bên bán hàng trấn an rằng đã liên hệ với cơ quan thuế và năm sau vẫn được sử dụng tiếp các số hóa đơn của năm trước.

 

Công ty Ngôi Sao cho biết mình cũng tự in hóa đơn, mỗi năm dùng khoảng 1.500 số hóa đơn. Công ty này được hướng dẫn cứ vào đầu năm, ví dụ năm 2012 thì làm thủ tục thông báo sẽ phát hành 1.500 hóa đơn trong năm đó, mang ký hiệu .../12T. Nếu đến cuối năm mà chỉ xuất ra 1.400 số hóa đơn, còn dư 100 số hóa đơn mang ký hiệu .../12T thì phải làm thủ tục thông báo hủy 100 số hóa đơn dư này. Sau đó, công ty làm thông báo phát hành hóa đơn mới với ký hiệu .../13T cho năm 2013.

 

Doanh nghiệp “mệt” vì hóa đơn thừa
Việc làm thủ tục thông báo hủy số hóa đơn cũ, thông báo phát hành hóa đơn mới tạo nên gánh nặng không đáng có cho DN lẫn cơ quan thuế.

 

Vì vậy, sau khi nhận hóa đơn có số .../12T vào năm 2013, Công ty Ngôi Sao không yên tâm và hỏi lại Cục Thuế. Cục Thuế giải đáp rằng về nguyên tắc, hóa đơn tự in khởi tạo trong năm nào thì để ký hiệu năm đó. Tuy nhiên, một số DN chưa hiểu nguyên tắc nên vẫn sử dụng số hóa đơn đã thông báo phát hành của năm trước là không phù hợp. Để giảm bớt khó khăn cho DN, Cục Thuế chấp nhận không hủy số hóa đơn “đã lập và đã giao cho người mua”.

 

Gánh nặng thủ tục

 

Trong khi đó, ông Trần Hoài Đức (quận 1) cho biết công ty ông đã dùng hóa đơn tự in vài năm nhưng chưa hề nghe hướng dẫn này. Mỗi năm dùng khoảng 1.000 số hóa đơn, nếu chưa hết, số còn dư ít thì làm thủ tục hủy, nếu dư nhiều thì để đến khi nào hết số mới làm thủ tục thông báo phát hành mới, không thấy cơ quan thuế nói gì!

 

Ông Đức cho rằng ký hiệu /12T, /13T trên hóa đơn cũng chẳng ảnh hưởng gì đến số thuế phải nộp nên cơ quan thuế không nên bắt DN làm thêm thủ tục chỉ vì cái ký hiệu.

 

Nhiều DN khác cũng khá bất ngờ trước hướng dẫn “lạ” này của Cục Thuế và không đồng tình, cho rằng sẽ tạo gánh nặng thủ tục.

 

Anh Đàm Văn Tiến, kế toán một công ty ở quận Bình Tân, cho biết nếu thực hiện đúng hướng dẫn của Cục thì hằng năm, cứ vào đầu năm hàng trăm ngàn DN phải đồng loạt làm thủ tục thông báo hủy số hóa đơn dư của năm cũ, sau đó làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn mới cho năm mới. Phía cơ quan thuế cũng phải tiếp nhận số thủ tục này và công khai trên hệ thống về hóa đơn của các DN. Việc này tạo nên gánh nặng không đáng có, nhất là dồn vào một thời điểm trong năm. Trước đây nộp giấy thì phải đến cơ quan thuế xếp hàng chờ, bây giờ nộp qua mạng mà đổ dồn thế này thì rớt mạng.

 

Một vấn đề thiếu công bằng trong giải quyết hóa đơn là hóa đơn do DN đặt in mà in dư chưa dùng hết trong năm nay thì năm sau vẫn được dùng tiếp. Việc dùng tiếp này cũng nhằm tiết kiệm chi phí in hóa đơn vì chi phí cao, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/cuốn nên DN phải đặt in cả chục cuốn mỗi lần, trong khi có DN chỉ cần dùng một vài cuốn/năm. Về phía hóa đơn tự in thì DN chỉ thông báo phát hành, khi nào bán hàng xuất hóa đơn mới in ra nên xét về mặt chi phí thì việc hủy không gây tốn kém về giấy tờ, in ấn (vì chưa in). Tuy nhiên, nếu phải hủy, phát hành mới thì nặng về thủ tục như phân tích ở trên.

 

 Nên bỏ luôn ký hiệu năm phát hành

 

Ngày, tháng, năm tạo hóa đơn luôn được ghi rõ trên hóa đơn. Do đó, việc đưa năm phát hành vào ký hiệu hóa đơn tạo khó khăn cho DN. Nên bỏ quy định về ký hiệu này.

 

Nhiều tỉnh, thành khác đều để DN tiếp tục sử dụng hóa đơn thừa, chỉ TP.HCM là hướng dẫn hủy. Để DN khỏi lúng túng, có lẽ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cần có một văn bản hướng dẫn xử lý hóa đơn thừa để áp dụng chung trên toàn quốc.

 

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

 

Theo Quỳnh Như

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm