Doanh nghiệp lo sợ chính sách "bảo vệ hai ông, giết 100 ông"
(Dân trí) - Đối mặt với khả năng phải mua nguyên liệu với giá cao trong bối cảnh đang phải sản xuất "cầm cự" với giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhiều DN sản xuất sản phẩm từ thép không gỉ cho rằng lá đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá chẳng khác nào đòn knock-out đối với họ.
Cuối tháng 5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ra thông báo đã nhận được hồ sơ của Công ty TNHH Posco VST (Posco VST) và Công ty CP Inox Hòa Bình (Inox Hòa Bình), yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam từ 4 quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Theo quy định, trong vòng 60 ngày kể từ từ ngày nhận được Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ ra quyết định có hay không khởi xướng điều tra vụ việc này.
Mặc dù chưa có quyết định về việc có khởi xướng điều tra hay không, song lá đơn của Posco VST và Inox Hòa Bình được các DN sản xuất sử dụng nguyên liệu thép không gỉ cán nguội đón nhận như một nỗ lực để "dìm" chết các DN này trong bối cảnh hầu tất các DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, vừa làm vừa cầm cự qua đợt khó khăn được dự báo còn kéo dài của nền kinh tế.
Theo nhìn nhận của các DN, vốn trước đây nhập khẩu khá nhiều thép không gỉ cán nguội từ nhiều nước như Braxin, Đức, Phần Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... thì nếu biện pháp chống bán phá giá được áp dụng, khó khăn không chỉ ập xuống đầu DN mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế - xã hội.
Cụ thể, giá thành nguyên liệu sẽ bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý, dẫn đến việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng và yêu cầu sản xuất khó khăn. Điều này, gần như tất yếu khiến giá thành sản phẩm tăng theo, và việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn vì các nước có nguyên liệu thép không gỉ cán nguội giá rẻ sẽ sớm chiếm thị phần thế giới.
Không chỉ có các DN sản xuất đồ tiêu dùng, biện pháp này nếu được áp dụng thì rất nhiều ngành hàng vốn đang rất khó khăn như công nghiệp chế tạo, thực phẩm... cũng đối mặt với suất đầu tư tăng cao vì lý do tương tự.
Ngoài ra, các DN còn lo ngại rằng, thị trường thép không gỉ cán nguội trong nước hiện chỉ có rất ít DN cung cấp hàng, trong đó riêng Posco VST và Inox Hòa Bình đã chiếm tới trên 70% thị phần nên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá dễ đẫn đến trạng thái độc quyền tự nhiên thị trường trong nước, không loại trừ việc các nhà cung cấp nguyên liệu bắt tay nhau đẩy giá lên cao vì không có sự cạnh tranh ngang bằng.
Cần nói thêm, trước khi có lá đơn yêu cầu này của Posco VST và Inox Hòa Bình, mức thuế nhập khẩu mặt hàng thép không gỉ cán nguội đã tăng liên tục từ 0% lên 5% rồi 10% áp dụng từ đầu năm nay. Việc áp thuế mạnh một mặt hàng nguyên liệu cơ bản đã khiến nhiều DN lao đao, xáo trộn kế hoạch sản xuất kinh doanh.
"Bảo vệ 2 ông thì sẽ giết 100 ông"
Mặc dù đã chuyển sang sử dụng sản phẩm thép không gỉ cán nguội của Posco VST từ đầu năm nay vì không chịu nổi mức thuế nhập khẩu quá cao, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn SunHouse vẫn còn nhiều điều lo lắng với nguyên liệu trong nước lẫn các nhà làm chính sách.
Ông Phú cho biết: "Đương nhiên đẻ con ra thì phải nuôi, tức đã cho DN đầu tư thì phải có biện pháp bảo hộ. Nhưng bảo hộ như thế nào thì cần phải cân nhắc kỹ, và cân nhắc đến tổng lợi ích của nền kinh tế chứ không phải chỉ quan tâm đến 1 - 2 ông DN". Theo ông này, để các DN này sản xuất thép không gỉ cán nguội phải chủ động cải tiến công nghệ, tăng sức cạnh tranh thì mức thuế nhập khẩu nên 2 - 3% là vừa, hoặc chỉ bảo hộ bằng chính sách trong vòng vài năm đầu. Nếu chính sách ưu ái quá thì sẽ "làm hư" cho các DN này, trong khi gây thiệt hại không nhỏ cho hàng trăm DN khác sử dụng nguyên liệu này.
Cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu lên 10%, và nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, là "bảo vệ 2 ông, giết 100 ông", ông Phú dẫn ra bài toán khá phổ thông để thấy rằng nếu giá nguyên liệu tăng 10%, thì với tỷ trọng nguyên liệu chiếm 50% cơ cấu giá thành sản phẩm, giá sản phẩm sẽ tăng 5% và như vậy thì con đường xuất khẩu sẽ bị chặn đứng. "Nguy cơ thị phần trong nước bị co hẹp cũng là nhãn tiền, vì các DN nước lân cận chỉ cần mức lợi suất 5% là họ đã xuất sang VN, vì xuất khẩu thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí liên quan như marketing, bán hàng, cửa hàng...", ông Phú nói.
Cũng theo ông này, từ đầu năm nay SunHouse phải ngừng nhập inox Đài Loan vì thuế, mặc dù inox Đài Loan có chất lượng tốt hơn. "Từ khi sử dụng inox của Posco, năng suất sản xuất của chúng tôi bị giảm sút mạnh vì bế mặt inox nhăn khi gia công, phải mất nhiều thời gian để xử lý. Nhưng biết sao được, nhập ngoại với giá bao gồm thuế tăng 10% thì DN làm gì còn lãi", ông Phú cho biết.
Theo đại diện các DN, để tránh tối đa "lợi ích nhóm" hoặc sự thiếu cân nhắc trước khi ra một quyết định, các nhà quản lý mà cụ thể là Bộ Công thương, Bộ Tài chính cần có cuộc gặp gỡ giữa các bên để cùng bàn bạc, nhằm hài hòa lợi ích giữa các ngành với nhau. "Nếu không, chẳng khác nào một đòn knock-out vào thẳng mặt các DN sử dụng nguyên liệu này, trong bối cảnh chúng tôi phải từng ngày chống đỡ với đợt khó khăn dài kỷ lục này của nền kinh tế", đại diện một DN (đề nghị không nêu tên) nói.
Hồng Kỹ