Doanh nghiệp lên tiếng kêu khó được tháo gỡ ngay tại chỗ

Thế Hưng

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp lớn đã đồng loạt nêu những khó khăn đang gặp phải và được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng các bộ, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ ngay tại cuộc họp.

Doanh nghiệp kiến nghị khó khăn

Tại hội nghị trực tuyến "tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp" hôm nay 20/9, nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp kiến nghị những vướng mắc còn tồn tại.

Đại diện Công ty Nidec Việt Nam kiến nghị sau khi hoạt động trở lại, bất kỳ trường hợp F0 nào được phát hiện tại dây chuyền sản xuất, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp.

Đại diện Công ty Nike Việt Nam cũng cho rằng, công ty mong muốn không đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện một ca F0 mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.

Doanh nghiệp lên tiếng kêu khó được tháo gỡ ngay tại chỗ - 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị (Ảnh: CNQ)

Nhận thấy những khó khăn còn tồn tại là vấn đề cấp thiết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân.

F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động.

Bày tỏ vui mừng trước giải đáp của Phó Thủ tướng, Công ty Unilever Việt Nam kiến nghị đẩy nhanh tiêm vắc xin cho lực lượng sản xuất trọng điểm. Còn đại diện Samsung Thái Nguyên kiến nghị cho phép công nhân viên đã tiêm 2 mũi vắc xin được di chuyển đi làm hằng ngày từ nhà (vùng xanh) tới công ty bằng hệ thống xe buýt do công ty bố trí.

Các doanh nghiệp như Công ty hóa chất Hyosung Vina (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Far Eastern (Bình Dương), C.E.O (Kiên Giang)… cùng mong muốn ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân lao động, đơn giản quy trình mời chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ giảm chi phí như hoàn thuế VAT…

Tháo gỡ khó khăn tại chỗ cho doanh nghiệp

Giải đáp kiến nghị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia ngày càng nhanh, linh hoạt và rút gọn thông thoáng hơn. Đơn cử như thời gian cách ly giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày.

"Việt Nam cũng đã công nhận tạm thời đối với giấy chứng nhận tiêm vắc xin của trên 60 quốc gia. Hiện các bộ, ngành đang tính toán mở rộng đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam", ông Vũ cho biết thêm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin, ngày 16/9 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua một gói về miễn, giảm thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút chuẩn bị dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện gói này để trình Chính phủ.

Doanh nghiệp lên tiếng kêu khó được tháo gỡ ngay tại chỗ - 2

Các doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn tại chỗ (Ảnh: CNQ).

Không chỉ các bộ, lãnh đạo một số địa phương có nhiều hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Cụ thể tại Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để lắng nghe, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Dự kiến, thành phố sẽ hỗ trợ các khoản vay tín dụng, giãn hoãn thuế cho doanh nghiệp,...; hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp với quỹ đầu tư của thành phố; đồng ý giãn tiến độ với các dự án đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch; hỗ trợ xét nghiệm với công nhân trong khu công nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết đã thành lập Tổ công tác của thành phố để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. TPHCM cũng đã làm việc với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... để thống nhất các giải pháp liên kết vùng; kết hợp với các cơ quan về vấn đề về lưu thông, chuyển vật tư vật liệu, lao động, chuyên gia.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành định hướng việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Nhưng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh, cuộc họp hàng tháng với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ được duy trì để chủ động tìm hiểu, nắm bắt và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. "Chính phủ, các cơ quan Trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến khi phục hồi xong sản xuất kinh doanh", Phó Thủ tướng nói.