1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

“Doanh nghiệp không lo Bộ trưởng, chỉ sợ cán bộ thuế!”

(Dân trí) - “Khảo sát các doanh nghiệp, họ nói là họ không sợ Bộ trưởng mà sợ người trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, mà nói đúng là đúng” – ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho biết.

 

Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có những bước tiến nhất định (Ảnh: DĐDN)
Cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có những bước tiến nhất định (Ảnh: DĐDN)

Công bộc mà “lạnh lùng làm đúng trách nhiệm”...

Công bố Kết quả khảo sát 2015 với Hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã về thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực Thuế và Hải quan, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho hay, mặc dù có nhiều cải thiện so với trước nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện ở hai lĩnh vực này.

Cụ thể, có 65% đơn vị đánh giá thời gian giải quyết thủ tục thuế là quá dài, 54% cho biết bị yêu cầu hổ sung thông tin không cần thiết và 47% cho biết cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, tận tình.

Cũng theo ông Tuấn, mặc dù 23% đơn vị đánh giá ở mức tốt và rất tốt đối với chỉ tiêu cán bộ thuế “không hách dịch, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà”, song vẫn có tới 27% cho rằng, chỉ tiêu này chỉ ở mức kém và rất kém.

Chỉ tiêu tận tình, chu đáo của cán bộ thuế được 19% đơn vị đánh giá là tốt và rất tốt, song còn tới 27% đánh giá là kém và rất kém.

Tại ngành hải quan, chỉ có 21% đơn vị đồng tình rằng, cán bộ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở mức tốt; 26% đơn vị vẫn đánh giá sự tận tình chu đáo của cán bộ hải quan ở mức kém.

Thậm chí, 30% hiệp hội được khảo sát cũng chấm mức “kém” với tiêu chí lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp của ngành hải quan.

Theo nhận xét của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, vài năm trước đây, ngành tài chính thuế, hải quan luôn đội sổ về cải cách thủ tục hành chính, đây được coi là hai điểm “nóng” nhất và bị doanh nghiệp kêu ca nhất, cùng với lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Tuy nhiên, với những kết quả thu nhận được thời gian gần đây, thì thuế và hải quan đã trở thành hai mũi tiên phong về cải cách – Chủ tịch VCCI ghi nhận.

Ông Lộc hy vọng, phải làm sao cán bộ thuế, hải quan phải “tận tình chu đáo” chứ không chỉ “lạnh lùng làm đúng trách nhiệm của mình”. Dư địa cải cách này, theo ông Lộc là vẫn còn rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - ảnh: Vietnamnet
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - ảnh: Vietnamnet

Một cửa nhưng nửa vời, nhiều ngách!

Góp phần tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, những phiền hà tồn tại một phần xuất phát từ hàng trăm văn bản chuyên ngành hiện tại.

Với hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành đã dẫn tới một loạt những vấn đề của các quy định pháp luật: như không nhất quán, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu quả... và chính những điều này đang khiến thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài.

Ông Cung chia sẻ thêm, qua khảo sát doanh nghiệp, “họ nói là họ không sợ Bộ trưởng mà sợ người trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, mà nói đúng là đúng”.

Do vậy, Viện trưởng Viện CIEM đề nghị, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để đảo ngược tình thế. Nếu làm không tốt thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân vào chính sách, mà khi không tin thì sẽ không làm theo.

Dưới góc độ Hiệp hội và DN, bà Đặng Phương Dung, đại diện Hiệp hội Dệt may, cho rằng: “Chính phủ ra chỉ thị ngành thuế, hải quan phải đi đầu về hội nhập, thực hiện cải cách thủ tục hành chính (giảm giấy phép con, giải quyết thời gian nộp thuế, thực hiện cơ chế một cửa, thuế - hải quan điện tử… nhằm phục vụ mục tiêu hội nhập và yêu cầu bắt buộc về cải cách thể chế kinh tế trong các liên kết và hội nhập kinh tế quốc tế với ASEAN, Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA) với EU, với 12 nước trong Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực này vẫn rất chậm, nhiều chỗ rối như tơ vò. Ngành Hải quan - thuế thực hiện cơ chế liên thông 1 cửa nhưng có nơi thực hiện nửa vời, một cửa nhưng nhiều ngách, 1 cửa nhưng nhiều khóa”

T.s Nguyễn Đình Cung cho biết: “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB), thuế có cải thiện về thứ bậc còn Hải quan lại tụt mỗi năm một bậc”. Ông Cung đặt câu hỏi: “Tại sao lại như vậy? “Chúng ta đã phấn đấu thì phải tốt hơn, đã hoàn thiện thì hoàn thiện hơn chứ sao thụt lùi đi trong mắt tổ chức quốc tế và DN”?

Tại hội thảo, bà Phạm Thu Hương, Phó Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, càng xuống dưới, tới các chi cục và cán bộ công chức ngành thuế hải quan ở nhiều nơi, sức lan tỏa “sức nóng” của Nghị quyết 19 chưa như mong đợi.

Theo bà Hương, dù cơ chế chính sách hoàn hảo bao nhiêu thì con người vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. “Nếu chỗ này, chỗ khác tắc lại thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả quá trình cải cách”.

Ghi nhận những điểm đạt được, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị, thời gian tới cơ quan Thuế và Hải quan cần tiếp tục phát huy hơn nữa, việc làm chưa được thì củng cố thêm, việc làm gần được thì cố gắng nữa để làm cho bằng được.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị đại diện của đơn vị giám sát phối hợp rút ra bài học gì và cần tìm ra phương thức, cách làm mới và hiệu quả để thực hiện trong năm 2016.

Ông Nhân gợi ý đề ra hai hướng: thứ nhất, trong năm 2016, tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền. Thứ hai, có thể triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10-15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.

Bích Diệp - Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm