1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp khổ vì thị trường gia cầm không rõ ràng

Việt Nam đang có những bước đi đúng hướng và cần thiết trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Thế nhưng, thị trường gia cầm đóng băng cộng với những hướng dẫn chưa thống nhất giữa các cơ quan y tế đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh gia cầm đang "ngồi trên đống lửa".

Tập đoàn CP (Thái Lan) có một hệ thống công ty chăn nuôi tại Việt Nam đang lao đao trước một thị trường sản phẩm gia cầm ngày càng trở nên "đông cứng".

 

Ông SookSunt Jiumjaiswanglerg - đại diện CP - lo lắng: "Chúng tôi đang có một quy trình sản xuất cực kỳ nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn vệ sinh và sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, dù doanh nghiệp (DN) rất nỗ lực, các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa thống nhất trong việc định hướng thị trường, bên cạnh đó còn đưa ra các kiểu cảnh báo mập mờ như "không nên tiêu thụ sản phẩm gia cầm" khiến cho chúng tôi không yên".

 

Theo ông SookSount, ngay khi có thông tin khuyến cáo không nên ăn gia cầm, thị trường mặt hàng này vốn đã èo uột từ khi xuất hiện dịch cúm trên thế giới, nay lại càng vắng lặng hơn nữa.

 

Số lượng gà ấp nở thời điểm cao nhất của  CP Việt Nam là 1 triệu con/tuần, sau đợt dịch đầu tiên năm 2003 giảm còn 500.000-600.000 con/tuần và hiện nay chỉ còn khoảng 400.000 con/tuần. Hệ thống cung cấp gà rán KFC quen thuộc cũng cho biết doanh số bán ra giảm gần 50% ngay khi những thông tin trái ngược về khuyến cáo tiêu thụ gia cầm được đưa ra.

 

Ông SookSount tâm sự: "Ở Thái Lan, dù có dịch nhưng chưa bao giờ chính phủ ra lệnh cấm tiêu thụ gia cầm, họ chỉ đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng an toàn. Ngành nông nghiệp và y tế Việt Nam phải có những thống nhất với nhau, làm sao bảo đảm lợi ích của nông dân và DN, trong đó có những nhu cầu rất bức thiết của người dân về nguồn sản phẩm gia cầm.

 

Không thể có chuyện ngành nông nghiệp đang cố bảo vệ sản phẩm của mình được an toàn còn ngành y tế thì bảo là đừng dùng nữa. Chúng tôi đang rất bối rối trước nguồn thông tin chưa rõ ràng từ cơ quan chức năng. Nếu ngưng tiêu thụ, chúng tôi vẫn có phương án sản xuất khác, nhưng hàng chục ngàn nông dân đang gắn bó với chúng tôi, họ sẽ xoay xở ra sao?".

 

Hiện giá sản phẩm gia cầm vẫn tiếp tục giảm mạnh. Giá gà tại trại nuôi chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, trứng chỉ còn 250-300 đồng/trứng, thế nhưng nông dân vẫn bán  không được.

 

Ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty kinh doanh gia cầm Phú An Sinh (TPHCM) cho biết: "Trong vòng 1 tháng, lượng gà bán ra của công ty chúng tôi đã giảm từ 3.000 con/ngày xuống còn 1.000 con/ngày.

 

Ngay cả hệ thống phân phối chính của chúng tôi là siêu thị Metro cũng đã ngưng lấy hàng vì họ tập trung dự trữ các mặt hàng khác chuẩn bị cho mùa dịch cúm. Năm nay cả nước chủ động phòng dịch quá sớm, thế nên thị trường gia cầm dù đã được người chăn nuôi tiên đoán và tập trung sản xuất sớm, vẫn không thoát khỏi cảnh đóng băng hiện nay".

 

Ông Minh cho biết: "Người tiêu thụ vẫn còn niềm tin và nhu cầu rất lớn về thịt gia cầm bằng chứng là gian hàng gà sạch của chúng tôi tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế đang diễn ra tại TPHCM vẫn bán được khá nhiều. Trong thời gian tới, công ty sẽ chuyển sang hướng giết mổ, cấp đông và chế biến các sản phẩm đóng hộp, các món chế biến sẵn để phục vụ thị trường".

 

Bác sĩ Phan Xuân Thảo - Phó chi cục trưởng Chi cục thú y TP.HCM cho biết: "Hiện chúng tôi đang kiểm soát lượng gia cầm lưu thông vào thành phố phải đạt các yêu cầu kiểm dịch và vệ sinh thú y. Đây là một biện pháp để bảo vệ thị trường và thành phố cũng chưa đến mức phải cấm tiêu thụ gia cầm".

 

Trong các khuyến cáo gần đây, cơ quan thú y tại TPHCM vẫn yêu cầu người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng sản phẩm gia cầm có bao bì, có dán nhãn của nơi sản xuất đã được cơ quan thú y kiểm tra, được bảo quản lạnh hợp vệ sinh và đã qua chế biến chín; không ăn theo kiểu ốp-la hay tiết canh. Ngoài ra, cơ quan thú y cũng khuyến cáo người dân không mua, không ăn gia cầm bệnh, chết và báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi phát hiện có vi phạm vệ sinh thực phẩm.

 

Theo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm