Doanh nghiệp kêu "tận thu": Bộ Tài chính lên tiếng "trần tình"

(Dân trí) - Trong khi nhiều doanh nghiệp than thuế tài nguyên tăng sẽ khiến việc sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn và góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương xin ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 712/2013 của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo đó, hầu hết thuế suất các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2 - 5%.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu thu nguồn thu thuế tài nguyên từ dầu khí và các tài nguyên khác không tăng so với năm 2014 thì số thu thuế tài nguyên dự kiến tăng 3.101 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn thu này đảm bảo khoảng 26% mức giảm thu ngân sách Nhà nước từ thuế xuất khẩu trong trường hợp xóa bỏ thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế.

khai-thac-1441681712108
Đề xuất tăng thuế tài nguyên của Bộ Tài chính vấp phải phản ứng trái chiều từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan điều hành vẫn giữ nguyên quan điểm về vấn đề này.

Doanh nghiệp kêu bị "tận thu"

Đề xuất tăng thuế tài nguyên của Bộ Tài chính đã vấp phải phản ứng từ phía doanh nghiệp. Theo lập luận của các doanh nghiệp khoáng sản, việc tăng thuế tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác khoáng sản, khiến các doanh nghiệp đã đi vào khai thác chỉ tập trung khai thác ở phần quặng giàu với chi phí khai thác thấp mà bỏ lại quặng nghèo, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế tài nguyên sẽ chỉ tác động đến các doanh nghiệp khai thác hợp pháp, làm ăn chân chính, gây tăng giá trên thị trường của nhiều loại khoáng sản, từ đó khuyến khích khai thác trái phép.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp trong ngành, việc tăng thuế suất có thể tác dụng tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ làm giảm thu ngân sách trong dài hạn. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do tổng lượng khoáng sản khai thác được sẽ giảm, từ đó làm giảm tổng số tiền thuế phải nộp, cả về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trao đổi tại một hội thảo diễn ra trong tuần này, bà Clare ALain, Trưởng ban Hợp tác phát triển quốc tế, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang chịu những gánh nặng ngày càng lớn hơn về ngân sách khi tham gia ký FTA với EU, Hàn Quốc… sắp tới là TPP. Tuy nhiên, cần nhìn bối cảnh toàn diện hơn, rà soát lại chi tiêu công để tính toán kỹ hơn, trước khi quyết định tăng thuế.

Ông Taylor Robbie, Phó đại sứ Newzeland tại Việt Nam nói, những chính sách thuế tăng đột ngột như vậy có thể khiến môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên rủi ro, không dự báo được.

Còn theo bà Trần Thanh Thủy, đại diện cho Pan Nature, Việt Nam là một trong những nước có nhiều khoản thu nhất và thuế suất cao nhất nhưng hiệu quả thu ngân sách lại hết sức hạn chế. Thay vì tăng thuế suất, Bộ Tài chính nên đánh giá lại để đưa ra chính sách phù hợp.

Bộ Tài chính "trần tình"

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, trong thời gian qua, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đặt mục tiêu: Quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên quốc gia; ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt; hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản; và đưa ra các giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên...

"Từ những chủ trương của Đảng, nhà nước như tôi đã nêu trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là một trong những giải pháp cần thiết, có tính khả thi. Bên cạnh đó, để góp phần đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khi phải thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, đảm bảo bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên, là một trong những công cụ tài chính có hiệu quả", ông Thi nói.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có thuế tài nguyên để thay thế cho thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải cắt giảm trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ví dụ có thể kể tới như Trung Quốc đã thực hiện cải cách chính sách thuế tài nguyên, trong đó đã thay đổi cách tính thuế tài nguyên để tăng nguồn thu NSNN khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới; Indonesia đã tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ tháng 1/2015 khi dự kiến phải thực hiện cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết quốc tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

Vị này cũng khẳng định, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay nhằm góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu không khuyến khích khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị lớn, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Việc xây dựng Nghị quyết cũng được khẳng định là đảm bảo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc thành lập Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, Ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên...

"Một số doanh nghiệp nêu khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay do nguyên nhân giá khoáng sản trên thế giới đang giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đang bị lỗ. Cũng có ý kiến nêu việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên tại thời điểm hiện nay là chưa đảm bảo tính ổn định của chính sách, từ đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để ổn định sản xuất, dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra lộ trình áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên mới đối với một số loại khoáng sản hiện đang gặp khó khăn trong khai thác", ông nói thêm.

Phương Dung

Doanh nghiệp kêu "tận thu": Bộ Tài chính lên tiếng "trần tình" - 2