Doanh nghiệp FDI báo lỗ tăng cao vẫn được ưu đãi quá nhiều

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành tài chính đặt vấn đề: “Tại sao có tới 52% doanh nghiệp báo lỗ nhưng vẫn hoạt động, quy mô ngày càng được mở rộng, do đó cần xem lại vấn đề cơ chế chính sách, trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành”.

sam1.jpg

(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho hay, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước ở mức thấp.

Cụ thể, trung bình trong 6 năm trở lại đây chỉ đạt khoảng 3,4% (21.456 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài/tổng số 632.354 doanh nghiệp trên cả nước tính đến hết năm 2017).

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2017 chiếm tới 72,6%).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Trong 2 năm gần nhất, năm 2016 con số này là 161 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng thu của NSNN và đến năm 2017 chiếm 14,5% tổng thu của NSNN.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, tốc độ tăng về số nộp NSNN (7%) của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22,6%).

"Điều này cho thấy đóng góp vào NSNN của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động. Lý giải một phần là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư", Thứ trưởng cho biết.

Cùng với đó, số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ năm 2012 đến năm 2017 cho thấy số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 52% (đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng doanh nghiệp có báo cáo).

Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệg có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng, phức tạp.

Về chính sách ưu đãi, riêng đối với các ưu đãi về tài chính đất đai, giai đoạn từ năm 2005 đến nay, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ như: Giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn từ năm 2011-2014; Điều chỉnh giảm mức tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% xuống còn 1%…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh về tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: “Tại sao có tới 52% doanh nghiệp báo lỗ nhưng vẫn hoạt động, quy mô ngày càng được mở rộng, do đó cần xem lại vấn đề cơ chế chính sách, trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành”.

Một vấn đề khác được người đứng đầu ngành tài chính nhắc đến chính là hiện nay nước ta ưu đãi quá nhiều, ưu đãi từ ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư, dự án mở rộng, sản phẩm, địa bàn, quy mô dự án, số lượng lao động... Chính vì lẽ đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần phải có đánh giá lại về các chính sách ưu đãi này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần có các nghiên cứu cụ thể để ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo địa bàn chuyển sang ngành, lĩnh vực. Theo đó, ngành, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư nhiều thì phải có chính sách ưu đãi nhiều.

Mặt khác, cần nghiên cứu chuyển đổi chính sách ưu đãi thuế, đầu tư từ thiên về sử dụng quy mô vốn và lao động, dự án sang tiếp cận theo chiều dọc, nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có tính lan tỏa, kết nối được với các doanh nghiệp trong nước.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một vấn đề quan trọng khác là chú trọng các hoạt động liên quan đến chính sách sử dụng đất, đánh giá hiệu quả sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, nên có các cơ chế khuyến khích, kiểm soát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư.

Cuối cùng, cần nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm tra giám sát, đánh giá phân tích so sánh chi phí và lợi ích để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện được hưởng ưu đãi, nghiên cứu cải tiến hệ thống tín dụng của quốc gia Việt Nam theo kịp khu vực và thế giới để làm cơ sở đánh giá, áp dụng ưu đãi.

Phương Dung

banner_chan-bai.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm