Doanh nghiệp chây ì, trốn thuế: Phạt cho sạt nghiệp hay siết quy định luật?
(Dân trí) - Ông Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam cần thay đổi quan điểm làm luật, thay vì chỉ nhằm mục đích điều chỉnh 20% doanh nghiệp chây ì, trốn thuế thì luật cần tập trung tạo điều kiện cho 80% doanh nghiệp còn lại nộp thuế. Để xử lý 20% doanh nghiệp trốn thuế, có thể phạt đến sạt nghiệp!
Phát biểu tại Hội trường xung quanh một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế ngày 22/3, ông Trần Du Lịch (Đại biểu Quốc hội TPHCM) cho rằng, trong kỳ này chỉ bàn đến sửa "vài điều" nhưng nhiệm kỳ tới, Việt Nam nên sửa cơ bản lại luật về quản lý thuế với quan điểm khác.
Theo đó, luật phải tạo điều kiện tốt nhất cho những người chấp hành tốt: với 80% doanh nghiệp chấp hành tốt thì thông thoáng cho họ, còn 20% có thể là những người không chấp hành tốt thì không bao giờ nên làm luật chỉ để điều chỉnh 20% không tốt đó để làm khổ cho 80% chấp hành tốt.
Theo ông Lịch, nếu Luật chỉ để "chỉnh" 20% doanh nghiệp chây ì, trốn thuế thì không phải Luật quản lý thuế. "Ở một số nước, tôi phát hiện anh trốn thuế, tôi phạt đến mức độ anh sạt nghiệp - đây là biện pháp nên để xử lý 20% kia, còn làm sao chúng ta tạo điều kiện, làm luật tốt cho 80% tự giác đóng thuế thì đó mới là một luật quản lý thuế tốt" - ông Lịch nêu quan điểm.
"Lần này tôi hỏi kỹ các cơ quan thuế nếu một đơn vị chây ì, có tiền mà không đóng thuế thì cơ quan thuế dùng biện pháp gì? Họ nói, nếu có tiền mà không đóng thuế thì họ yêu cầu ngân hàng trích chứ không phải phạt mấy %, trường hợp phạt là đơn vị không có khả năng đi vay tiền" - vị đại biểu chia sẻ.
Ông đề nghị, không nên thỏa hiệp về mức phạt chậm nộp, giữa hai phương án phạt 0,03%/ngày và 0,05%/ngày, không nên dung hòa chia đôi để đưa ra con số bình quân 0,04%/ngày vì như vậy khiến các cơ quan thuế lười áp dụng các biện pháp khác, cứ để phạt việc quá hạn thu dễ hơn thì không hợp lý. Ông Lịch giữ nguyên quan điểm của mình là áp mức 0,03%.
Trước đó, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện có một số ý kiến cho rằng, việc giảm mức phạt chậm nộp xuống 0,03%/ngày (tương đương với 10,95%/năm) là thấp, do đó đề nghị tính bằng lãi vay quá hạn của ngân hàng nhằm tránh việc doanh nghiệp cố tình chây ì, không chịu nộp thuế.
Một số ý kiến đề nghị giảm mức phạt từ 0,05%/ngày xuống 0,04%/ngày hoặc 0,02%/ngày. Có ý kiến đề nghị quy định áp dụng tỷ lệ % tính tiền chậm nộp (trong khung 120% - 150% lãi suất năm của năm trước liền kề do Ngân hàng Nhà nước công bố).
Trước những ý kiến này, Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, việc quy định mức phạt tiền chậm nộp 0,03% là thấp, thấp hơn mức lãi suất hiện hành của các ngân hàng thương mại, sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp cố tình chậm nộp tiền thuế cho Nhà nước.
Mặt khác, nếu quy định mức phạt tiền chậm nộp theo tỷ lệ % của lãi suất năm của năm trước liền kề do Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ không đảm bảo minh bạch, cụ thể, khó khăn trong quá trình triển khai, áp dụng.
Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin Quốc hội cho phép điều chỉnh quy định mức phạt chậm nộp là 0,04%/ngày thay vì mức 0,03%/ngày như Dự thảo luật đã trình Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin Quốc hội cho phép bỏ nội dung này trong Dự thảo luật, khi Chính phủ thấy cần thiết xóa nợ sẽ trình Quốc hội xem xét đối với các trường hợp cụ thể, đảm bảo công bằng, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Bích Diệp