Doanh nghiệp cam tiên phong kết nối với các hộ nông dân tại Nghệ An
(Dân trí) - Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ được định hướng theo mô hình doanh nghiệp xã hội, đóng góp cho cộng đồng và bảo vệ môi trường. Phủ Quỳ sẽ có mặt trong Ngày hội Tốt diễn ra vào cuối tuần này tại Hà Nội.
Kết nối các hộ nông dân tạo ra chuỗi liên kết mạnh
Khởi nghiệp vốn khó, khởi nghiệp nông nghiệp lại càng khó hơn. Nhưng, không có gì là không thể với những đội ngũ tâm huyết, minh bạch và hơn hết là tràn đầy đam mê. Hành trình của cô gái xứ nghệ với dáng người nhỏ nhắn, Nguyễn Thị Lê Na (31 tuổi), hiện là Phó GĐ Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ, đồng thời là Giám đốc Công ty CP Vườn rừng Sinh thái Thượng Lộc - tỉnh Nghệ An, là minh chứng rõ nhất cho câu nói trên.
Với sự sáng tạo của mình, Lê Na đưa ra thị trường mô hình trang trại cam sinh thái, không hoá chất với 5ha cam sinh thái và 10ha cam VietGap. Mục tiêu đến năm 2020, công ty sẽ đạt 20ha trang trại cam sinh thái, 50ha trang trại cam VietGap của hơn 20 hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị Cam Vinh Kỳ Yến. Sản lượng cam VietGap thu hoạch hơn 400 tấn/năm. Phủ Quỳ nỗ lực xây dựng một vùng cam sinh thái hoàn toàn tại Nghệ An, tạo sự khác biệt cho sản phẩm cam Vinh của tỉnh.
Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ là đơn vị kinh doanh cam tiên phong tại Nghệ An kết nối với các hộ nông dân tạo ra chuỗi liên kết với sản phẩm cam quả tươi, sản phẩm chế biến từ cam và phát triển dịch vụ du lịch vườn cam. Nhờ đó, công ty mang công việc tốt, ổn định cho người yếu thế như phụ nữ đơn thân, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và những người khuyết tật. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn hướng dẫn quy trình sản xuất, liên kết các hộ gia đình và nhận bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Những công việc đó trước đây rất khó khăn đối với người nông dân thì nay từng bước được tháo gỡ, giúp họ yên tâm sản xuất.
Cam Vinh Kỳ Yến chinh phục khách hàng trong nước và quốc tế
Thị trường tiêu thụ cam Vinh Kỳ Yến ngày càng mở rộng, Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ cung ứng vào hệ thống hơn 50 siêu thị, cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội, Vinh và đang tiến hành mở rộng tới thị trường TP. Hồ Chí Minh...
Đối với dòng sản phẩm chế biến công ty đang chú trọng phát triển tại thị trường nội tỉnh và vươn xa ra thị trường quốc tế như Nga, Nhật Bản... như là món quà đặc sản dành cho khách du lịch.
Sản phẩm cam Vinh Kỳ Yến được kiểm định chặt chẽ, chất lượng bảo đảm đủ để thu hút khách hàng quay trở lại. Doanh nghiệp bảo đảm "5 không": Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen. Sản phẩm tinh chế được trưng bày tại các hội chợ, siêu thị trong nước, từng bước hướng ra thị trường quốc tế.
Không chỉ tìm hướng ra cho sản phẩm cam quả tươi, Công ty còn nghiên cứu làm ra các sản phẩm chế biến từ cam như mứt vỏ cam, mứt nước cam, tinh dầu cam... và có hàng trăm thứ khác có thể làm ra từ cam nữa mà trong tương lai nhóm đội ngũ trẻ của Phủ Quỳ sẽ triển khai. Từ những thứ rất đơn giản như nước rửa bát, nước xịt phòng, những giải pháp làm vỏ cam thay thế than hoạt tính để lọc nước nhiễm độc, nhiễm kim loại nặng, cho đến cung cấp giải pháp chữa trị ung thư dạ dày, da...
Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội
Công ty CP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ được định hướng theo mô hình doanh nghiệp xã hội và ở đó kinh doanh cần thiết phải gắn với trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và bảo vệ môi trường. Chị Lê Na chia sẻ, nếu GDP đóng góp từ nông nghiệp cao thì đất nước sẽ mãi nghèo, còn GDP đóng góp từ dịch vụ cao thì đất nước mới giàu mạnh được.
"Chúng ta cần tìm cách làm khác đi, đừng tìm cách cạnh tranh với nông dân mà nên biết cách kết hợp với họ, hỗ trợ họ phát triển để mình cùng phát triển. Sáng tạo và tìm ra phương thức mới luôn cần thiết đối với khởi nghiệp nói chung nhưng với khởi nghiệp nông nghiệp thì lại càng vô cùng cần thiết" - chị Na nói.
Khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao mô hình của Phủ Quỳ.
Một điều đặc biệt tại các trang trại của Phủ Quỳ, là họ ưu tiên sử dụng phân bón, vật liệu hữu cơ bản địa cũng như từ các nguồn cỏ, cây trên đất trồng cam kết hợp dùng hệ thống vi sinh vật bản địa để tạo ra nguồn phân bón tại chỗ cho cây cam. Sắp tới, đội ngũ trẻ còn nghiên cứu và kết hợp sử dụng chính các loại cam rụng, hỏng để làm năng lượng tái tạo lại cho cam.
Phủ Quỳ cùng nhiều doanh nghiệp xã hội khác đang góp phần giúp xu hướng BuySocial (Tiêu dùng tạo giá trị xã hội) lan rộng từng ngày ở Việt Nam. Khi chi tiền cho các sản phẩm trong hệ sinh thái tiêu dùng BuySocial, người tiêu dùng có thể giúp đỡ những người yếu thế, góp phần bảo vệ môi trường sống, gìn giữ các giá trị văn hoá của dân tộc.
Đại diện đến từ Nghệ An sẽ có mặt tại Ngày hội Tốt diễn ra trong hai ngày 22 và 23/3 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), 20 Thụy Khuê, Hà Nội. Sự kiện do Hội đồng Anh phối hợp với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE), CIEM, Oxfam tại Việt Nam và Doanh nghiệp Xã hội Tòhe tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm của các dự án, mô hình, doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam tới công chúng.