Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản
(Dân trí) - Trong quá trình thực hiện biện pháp kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm không được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp; mua bất động sản để làm trụ sở, nắm giữ bất động sản...
Sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chưa phải sử dụng
Chiều 27/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật này có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành "thận trọng, kỹ lưỡng".
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau đó là Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Ông Thanh cho biết, có một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Một số ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết có 2 phương án được đưa ra. Thứ nhất, bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ.
Theo ông Thanh, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau sang can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, từ đó nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.
Còn phương án hai là giữ nguyên quy định cũ về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Góp ý vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng có sự trùng lắp về mục đích của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm với Quỹ dự trữ bắt buộc.
Cụ thể theo dự thảo Luật, mục đích của Quỹ Dự trữ bắt buộc là để bổ sung vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán. Như vậy, mục đích của Quỹ Dự trữ bắt buộc cũng bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.
Nhấn mạnh đến việc một quỹ ít có khả năng dùng đến trong khi vẫn duy trì một quỹ khác có mục đích tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội cân nhắc việc không tiếp tục duy trì Quỹ Bảo vệ người bảo hiểm như phương án 1 đã nêu trong dự thảo Luật.
Đại biểu phân tích thêm, việc duy trì hai quỹ song song sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người được bảo hiểm vì các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Hơn nữa theo vị này, nếu duy trì hai quỹ trong quá trình thực thi, trường hợp phải sử dụng nguồn trên quỹ để thanh toán cho người được bảo hiểm sẽ còn phát sinh thêm vấn đề phân chia tỷ lệ chi trả của từng quỹ, mỗi quý bao nhiêu phần trăm và người được bảo hiểm nhận thanh toán từ nguồn quỹ khác nhau.
Doanh nghiệp bảo hiểm không kinh doanh bất động sản
Quy định chung về đầu tư, dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài không được phép vay để đầu tư chứng khoán, góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Đồng thời không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.
Ngoài ra, Điều 96 của dự thảo Luật có quy định chi tiết về biện pháp kiểm soát. Cụ thể, trường hợp tỷ lệ an toàn vốn của doanh nghiệp lĩnh vực này ở mức phải áp dụng biện pháp kiểm soát, Bộ Tài chính xem xét đặt vào tình trạng kiểm soát.
Trong quá trình thực hiện biện pháp kiểm soát, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài không được thực hiện một số các hoạt động.
Trong số này có việc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp; mua bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; nắm giữ bất động sản.
Việc đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm giảm tỷ lệ an toàn vốn cũng không được thực hiện.
Trong quá trình thực hiện biện pháp can thiệp sớm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài cũng không được mua cổ phiếu quỹ hay mở rộng nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua 21 ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội trường, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng cũng cho biết, về an toàn tài chính, dự thảo Luật có quy định rõ tại điều 93, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải chủ động rà soát các quy trình, quy chế, khung quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn hiệu quả và tuân thủ pháp luật nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và an toàn tài chính theo quy định của Luật này.