1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp bán lẻ ngoại có ồ ạt vào Việt Nam?

(Dân trí) - Bộ Công Thương có ý kiến sau thông tin cho rằng từ 1/1/2009, các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam, đẩy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước vào tình thế khó khăn, có nguy cơ phá sản.

Ngược lại, có những thông tin nhận định rằng việc mở cửa thị trường không tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, từ đó có tư tưởng chủ quan, thiếu sự chuẩn bị cho lộ trình mở cửa hội nhập.

Tại cuộc họp báo chiều 25/12, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề trên.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay?

Việt Nam là một thị trường có quy mô còn nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, tiềm năng lớn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Không những vậy, Việt Nam liên tục được xếp thứ hạng cao về chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI).

Theo A.T Kearney (hãng tư vấn Mỹ), năm 2007 Việt Nam xếp thứ 4/7 nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2008 thì vượt lên dẫn đầu. Do vậy, tôi khẳng định, Việt Nam chắc chắn được nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài nhắm đến trong chiến lược phát triển kinh doanh toàn cầu của họ.

Nhưng sự hấp dẫn cho các nhà phân phối nước ngoài cũng chính là nguy cơ khiến nhiều doanh nghiệp, các hộ kinh doanh Việt Nam gặp khó khăn, nhất là từ 1/1/2009, thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa?

Trước hết, chúng ta cần hiểu là không phải từ 1/1/2009, Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin.

Việc mở cửa thị trường phân phối Việt Nam đã thực hiện ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO (tháng 1/2007). Nhưng từ 1/1/2009, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động trong lĩnh vực phân phối dưới hình thức 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy trước thời điểm 1/1/2009, chúng ta đã mở đến đâu?

Ngay từ khi gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư và hoạt động theo hình thức liên doanh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 49% điều lệ.

Từ 1/1/2008, nới rộng hơn là không hạn chế tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải lập công ty dưới hình thức góp vốn liên doanh.

Một vấn đề mà không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả dư luận đều đặc biệt quan tâm đó là khi Chính phủ mở cửa rộng rãi thị trường bán lẻ có nghĩ đến việc làm thế nào bảo hộ được các doanh nghiệp trong nước không?

Tôi xin khẳng định rằng, không phải mặt hàng nào nhà đầu tư nước ngoài cũng đều được phân phối và có những danh mục được phân phối theo lộ trình. Việc này đã được tính đến quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như người dân.

Hiện nay, danh mục hàng hóa mà nhà đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối bao gồm: lúa gạo, đường, thuốc lá và xì gà, dầu thô và dầu đã qua chế biến, dược phẩm, thuốc nổ, sách-báo-tạp chí, kim loại quý và đá quý, vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu.

Những danh mục hàng hóa mà nhà đầu tư nước ngoài được phân phối theo lộ trình đó là: Từ 1/1/2009 được phân phối máy kéo - phương tiện cơ giới - ô tô con và xe máy. Từ 1/1/2010 là rượu, xi măng và clinker, phân bón, sắt thép, giấy, lốp xe, thiết bị nghe nhìn.

Nhưng rõ ràng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải gặp không ít khó khăn kể từ sau ngày 1/1/2009?

Khi mở cửa thị trường, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với hai vấn đề chính đó là năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và tính liên kết giữa các doanh nghiệp đều yếu. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên quá bi quan.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh Việt Nam hiểu về văn hóa cũng như nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ta. Đồng thời, việc mở cửa cũng chính là cơ hội để chúng ta được học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài trong phương thức kinh doanh hiện đại.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm