“Đoạn trường” ai có qua rồi... mới “cay”

Doanh nghiệp than phiền hải quan, điều này không phải lần đầu. Thế nhưng, trong buổi đối thoại mới đây giữa các doanh nghiệp làm hàng gia công trên địa bàn TPHCM với Cục Hải quan TPHCM, lời than phiền của doanh nghiệp gay gắt hơn, bức xúc hơn.

Hải quan “cẩn thận”, công nhân chờ việc

 

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hoa Nam đã nhận được tràng pháo tay ủng hộ của đồng nghiệp khi khẳng định: “Tôi sẽ kiện những cán bộ Hải Quan (HQ) đã hành Doanh nghiệp (DN). Cái “tâm” và cái “tầm” của những cán bộ này phải được xem lại...”.

 

DN cũng đề nghị hướng xử lý vấn đề “bôi trơn” cho nhân viên HQ bằng cách đóng một khoản phí trong khâu làm thủ tục, có hóa đơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Học, cục trưởng Cục HQ TP.HCM, không đồng ý với đề xuất này vì nhân viên HQ có trách nhiệm phục vụ DN. Ông Học đề nghị DN phải ủng hộ chủ trương của lãnh đạo HQ là không cho nhân viên kẹp tiền vào hồ sơ... Tuy nhiên, không ít DN băn khoăn, không “bôi trơn” thì công việc khó trơn... Hiện mỗi ngày, lãnh đạo Chi cục HQ làm hàng gia công phải ký khoảng... 4.000 chữ ký. Ông Học cho rằng do phải mất nhiều thời gian để ký hồ sơ nên lãnh đạo HQ không còn thời gian kiểm tra hay đôn đốc nhân viên, không lắng nghe được bức xúc của DN. 

Niềm vui có được hợp đồng gia công 30.000 sản phẩm nhanh chóng qua đi khi Công ty Hoàng Hoa Nam vốn là một DN nhỏ bắt tay vào thực hiện các thủ tục HQ. Nhân viên công ty phải lên xuống đến... năm lần mới hoàn tất. Đầu tiên là... địa chỉ của DN. Theo cán bộ HQ làm thủ tục, địa chỉ công ty trong giấy chứng nhận mã số xuất nhập khẩu và trong hợp đồng khác nhau.

 

Mặc dù mã số và địa chỉ trong hợp đồng hoàn toàn khớp với mã số và địa chỉ trong giấy đăng ký kinh doanh (mới) của đơn vị nhưng cán bộ HQ vẫn không chấp nhận. Điều bức xúc, theo lời ông Thủy, là qui định về giấy chứng nhận đăng ký mã số xuất nhập khẩu đã được bỏ từ lâu rồi!

 

Nhưng bức xúc hơn cả khi HQ bắt lỗi chữ nghĩa để làm khó DN. Trong hợp đồng giữa Công ty Hoàng Hoa Nam với đối tác nước ngoài có ghi rõ “chi phí cắt may và chỉ”, nhưng cán bộ HQ tự gạch bỏ chữ “chỉ”, buộc DN phải làm lại phụ kiện hợp đồng. Trong phụ kiện hợp đồng, theo yêu cầu của HQ, DN phải ghi rõ các loại nguyên phụ liệu mua ở VN và trị giá các loại nguyên phụ liệu đó.

 

Thực tế yêu cầu này không thể thực hiện được vì chỉ phát sinh trong quá trình gia công nên chưa biết giá. Và để có chữ ký của hai bên trong hợp đồng, đơn vị này phải đi lại đến...tám lần mới xong được thủ tục HQ!

 

Công ty May Nhà Bè đang lo vì chậm hợp đồng trị giá 200.000 USD. Đại diện công ty cho biết trong phụ kiện hợp đồng của công ty, phần bên A và bên B có ghi “Mr”- ông, nhưng cán bộ HQ tự gạch bỏ, buộc DN phải làm lại phụ kiện, không ghi rõ Mr (ông) hay Mrs (bà).

 

Theo các DN, do thủ tục kéo dài, nguyên phụ liệu về đến cảng bị ứ đọng, DN thường xuyên phải tạm ngưng 2-3 ngày, công nhân nghỉ việc.

 

Bà Tán Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Công ty dệt may Thành Công cho biết thời gian thực hiện hợp đồng thường chỉ trong một tháng, nhưng thời gian làm phụ kiện luôn kéo dài 1-2 tuần, có khi cả tháng, DN lãnh đủ. Chuyện DN phải mất trắng, bị thua lỗ hoặc bị phạt chậm giao hợp đồng là “cơm bữa” trong lĩnh vực làm hàng gia công.

 

Doanh nghiệp hiến kế

 

Ông Ngô Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc công ty Thắng Lợi, đề nghị HQ cần phải đưa ra thời hạn cụ thể trả hồ sơ cho DN. Ông Hòa cho biết đã có rất nhiều DN bị mất hợp đồng sau khi nộp cho HQ, nhưng không thể chứng minh được vì cán bộ HQ không đưa cho DN giấy hẹn.

 

Theo bà Dương Thị Ngọc Dung, Phó Tổng Giám đốc công ty may Nhà Bè, cả DN lẫn HQ quản lý hàng gia công đều chưa chuyên nghiệp, trong đó HQ tệ hơn DN.

 

DN chỉ cần 1-2 giờ là đã khắc phục xong “sự cố”, còn HQ thì ngâm, gây thiệt hại cho DN. Cũng có một số cán bộ HQ nhiệt tình hướng dẫn DN nhưng số này quá ít. Do đó, các DN đề nghị phải có qui trình cụ thể và minh bạch.

 

Theo bà Thủy, chỉ cần sử dụng một “form” - mẫu hợp đồng chuẩn, trong đó từng mục của hợp đồng nguyên tắc hay phụ kiện hợp đồng cần ghi rõ DN phải đáp ứng là có thể giải quyết được những rắc rối phát sinh do DN phải điều chỉnh nội dung trong hợp đồng. HQ nên phân công một nhân viên làm việc với DN theo chế độ “một cửa”, tránh tình trạng DN phải gõ cửa nhiều nơi đã làm thủ tục.

 

Các DN cũng đề nghị ngành HQ có thể sử dụng một loại phiếu yêu cầu, trong đó ghi tất cả các yêu cầu của HQ mà DN cần đáp ứng để làm cơ sở thực hiện.

 

Theo các DN, nếu sử dụng phiếu yêu cầu này, chắc chắn sẽ chấm dứt được tình trạng mỗi nhân viên HQ lại yêu cầu DN theo suy nghĩ riêng của mình. Đề nghị này đã được ông Nguyễn Trung Học - cục trưởng Cục HQ TPHCM - đồng ý thực hiện ngay trong tháng năm.

 

Theo Hải Đăng

Báo Tuổi trẻ