Đô thị và 1.001 dịch vụ mới lạ

Nhịp sống thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị. Nhiều nghề, nhiều dịch vụ dần dần mất đi, thay vào đó là những nghề mới, dịch vụ mới. Thiết thực, mới mẻ, đôi khi rất lạ lùng...

Kỳ 1: “Có ai đi chợ giùm tôi với!”
 
Chưa sôi động như ở Hà Nội, nhưng dịch vụ đi chợ thuê ở Sài Gòn cũng đang dần khởi sắc và ngày càng được chị em phụ nữ bận rộn lựa chọn.
 
Nhân viên Công ty Hồng Bảo Phúc đóng gói thực phẩm đã sơ chế - Ảnh do công ty cung cấp
Nhân viên Công ty Hồng Bảo Phúc đóng gói thực phẩm đã sơ chế - Ảnh do công ty cung cấp

Đi chợ thuê

Từ khi hai người con của chị Trần Thị Ngọc Hằng, nhà ở đường Trường Sơn, Q.Tân Bình, ra riêng thì chị không còn muốn nấu nướng gì nữa cho mệt, nhất là đi chợ rất mất thời gian. Thế nhưng chồng chị vẫn muốn ăn ở nhà. “Nếu cứ đi ăn ngoài thì gia đình tôi sẽ mất không khí đầm ấm. Bản thân tôi cũng muốn tự mình nấu nướng nhưng bận bịu quá, ra chợ thì xà quần cả tiếng mà nhiều khi chẳng biết mua gì” - chị nói. Mới đầu sử dụng dịch vụ đi chợ thuê, chị cũng e ngại chất lượng bữa ăn, sợ thực phẩm để lâu... nhưng sau đó thấy mọi thứ tươi ngon, sạch sẽ nên chị vẫn nhờ dịch vụ này đến bây giờ. Trường hợp của chị không phải hiếm. Những phụ nữ làm văn phòng cả ngày hoặc nữ doanh nhân bận bịu với đối tác, những chuyến công tác xa... cũng thường chọn cách thuê công ty đi chợ, sơ chế giùm. Họ chỉ việc nấu nướng, hoặc nếu họ đi xa thì người thân, con cái ở nhà có thể nấu vì mọi thứ đã nêm nếm xong xuôi.

Đa số người sử dụng dịch vụ đi chợ thuê đều cảm thấy thích thú vì thực đơn khá phong phú, họ dễ dàng chọn lựa. Gia đình bà Hoàng Thị Ánh, nhà ở đường Trần Quang Khải, Q.1, yêu cầu công ty đi chợ thuê phải nêm nếm theo khẩu vị người miền Bắc. “Phía công ty cũng hiểu ý nên chúng tôi ăn uống rất vừa miệng. Mẹ chồng tôi khó tính nhưng cũng không phê bình gì. Từ đó tôi thư thả hơn, không còn lo lắng nêm nếm thế nào cho vừa lòng mọi người trong nhà”.

Đủ kiểu đi chợ thuê

Ngoài đi chợ thuê, cũng có người nhận tới nhà nấu cơm thuê. Khách hàng thường đi chợ trước rồi nhờ người đến nhà nấu nướng vì họ không biết nấu và cũng ngại vào bếp. Chị Phan Thị Khánh Ly (Q.Bình Thạnh) thường dành 1-2 tiếng buổi sáng để đến nhà những chị em có nhu cầu thuê chị nấu cơm. “Tiền công mỗi tiếng khoảng 20.000 đồng, tôi chỉ tới chế biến rồi về. Nếu khách hàng tin tưởng, tôi sẽ đi chợ giúp họ. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận nấu cơm thuê cho những nhà trong địa bàn quận Bình Thạnh” - chị Ly nói. Mỗi ngày trung bình chị nhận khoảng 6-7 nơi nấu cơm thuê.

Ở TP.HCM hiện nay có khoảng 5-6 công ty kinh doanh dịch vụ đi chợ thuê. Vì đối tượng khách hàng chủ yếu là người bận rộn nên các công ty này chọn cách cập nhật thông tin các món ăn, cách thức giao hàng... thường xuyên trên trang web công ty mình. Ông Dương Kỳ Hiển, giám đốc Công ty TNHH Hồng Bảo Phúc, cho biết: “Chính từ nhu cầu khách hàng muốn thưởng thức món ăn gia đình nhưng lại không có thời gian đi chợ, và thấy mô hình đi chợ thuê khá thành công ở Hà Nội nên chúng tôi thử kinh doanh dịch vụ mang tên I love food từ tháng 6-2012. Tuy nhiên, vì hình thức này còn mới mẻ với người dân Sài Gòn nên lượng khách hàng mỗi ngày chưa nhiều”.

Quy trình “đi chợ thuê” cũng khá đơn giản. Khách hàng tham khảo thực đơn được đăng trên website công ty, chọn món rồi đặt hàng trực tuyến hoặc gọi điện thoại, sau 12 tiếng nhân viên sẽ giao các món đã sơ chế cho khách tự nấu. “Trước đó, nhân viên chúng tôi sẽ đến siêu thị hoặc nhờ một số nhà cung cấp giao nguyên liệu để chế biến tại xưởng sơ chế của công ty. Khi nào có khách đặt hàng chúng tôi mới đi chợ mua nguyên liệu, nếu không để lâu thực phẩm sẽ không còn tươi ngon” - ông Hiển kể. Khách hàng thường chọn thực đơn theo ngày hoặc linh động thay đổi theo ý thích gồm món mặn - xào/luộc - canh, giá trung bình của mỗi món là 40.000-50.000 đồng cho 3-4 người ăn. Ông Hiển cho biết: “Nếu khách hàng không biết nấu món nào đó, chúng tôi sẽ in kèm cho họ tờ hướng dẫn nấu. Đồng thời nhân viên trực website sẽ chat thường xuyên với khách hàng để nắm bắt nhu cầu cũng như giải đáp thắc mắc của họ về món ăn”.

Còn với Công ty TNHH phát triển thương mại dịch vụ Sen Vàng (gọi tắt là Sen Vàng), việc đi chợ thuê nhanh chóng hơn. Khách hàng gọi điện đặt món trong ngày trước 8g sáng, nhân viên công ty sẽ giao thực phẩm vào khoảng 9g30-11g hoặc 15g30 tùy yêu cầu khách hàng muốn nấu bữa trưa hay chiều. Bà Lê Nguyễn Cẩm Hà, giám đốc Công ty Sen Vàng, cho biết: “Chúng tôi cũng chú ý phát triển mạng lưới khách hàng ở ngoại ô, vì xét thấy người dân ở các vùng ven cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ. Vào dịp lễ tết, khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều hơn hẳn vì nhu cầu ăn bữa cơm chung với cả gia đình cho có không khí sum vầy”.

Không chỉ công ty kinh doanh dịch vụ đi chợ thuê mà những cá nhân nhỏ lẻ cũng tham gia loại hình dịch vụ mới mẻ này. Họ chỉ cần đăng tin trên mạng, giới thiệu một chút về bản thân và để lại số điện thoại. Sau đó khi có khách yêu cầu, họ sẽ đi chợ đem đến nhà cho khách và thanh toán tiền. Chị Lê Thúy Ngọc (Q.Gò Vấp) nhận đi chợ thuê cho những gia đình ở Q.Gò Vấp và lân cận đã gần một năm nay. “Tôi thường tính tiền công bằng cách cộng thêm tiền vào món hàng mình mua. Ví dụ, bó rau 5.000 đồng tôi sẽ lấy 7.000 đồng, thịt một ký 80.000 đồng tôi lấy 90.000 đồng... Nếu khách yêu cầu, tôi sẽ nhặt rau, xắt thịt không tính tiền công” - chị Ngọc nói. Theo chị Ngọc, đi chợ thuê tiền công cũng không đến nỗi nào.

Ngày càng phát triển

Theo một số công ty kinh doanh dịch vụ đi chợ thuê, nhu cầu khách hàng muốn thuê người đi chợ ngày càng tăng. Bà Lê Nguyễn Cẩm Hà cho biết: “Nhu cầu này sẽ ngày càng lớn vì nhịp độ công việc của phụ nữ tăng, giao thông lại không thuận lợi. Ngoài ra, lựa chọn món ăn mất nhiều thời gian, do vậy nhiều phụ nữ có tâm lý ngại đi chợ”.

Một điểm nữa, theo ông Dương Kỳ Hiển, dịch vụ này không gặp trở ngại gì trong khâu đăng ký kinh doanh và còn được ủng hộ. “Điều này thúc đẩy các công ty tích cực thăm dò thị trường, đề ra chiến lược kinh doanh tốt hơn và mức giá cho dịch vụ cũng cạnh tranh” - ông Hiển nói. Quan trọng nhất trong ngành dịch vụ này, theo ông Hiển, là việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách hàng. Do đó các nhân viên trong công ty phải đạt chứng chỉ trong kỳ huấn luyện về an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM tổ chức, và luôn lấy nguyên tắc sạch sẽ chuyên nghiệp làm tiêu chí hoạt động.
 
Theo Yến Trinh - Lê Diễm
Tuổi Trẻ