Đô Lương: Điểm sáng bất động sản mới nổi phía Tây Nghệ An

(Dân trí) - Năm 2020, Đô Lương đặt mục tiêu trở thành huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh, trung tâm kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An.

Với sức tăng trưởng kinh tế vượt bậc, thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ, Đô Lương đang hội tụ đủ tiềm năng và thế mạnh để phát triển lĩnh vực bất động sản.

Địa phương top đầu về phát triển kinh tế

Đô Lương có diện tích 350.433 km2 và dân số 204.170 người (2018), có ranh giới hành chính giáp với 6 huyện Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc. Đô Lương nổi tiếng là huyện có truyền thống kinh doanh lâu đời nhất, đầu mối giao thông chính của tỉnh với lượng hàng hóa khổng lồ được luân chuyển hàng năm.

Huyện cũng hội tụ các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch như Quốc lộ 7, 15A, 46A, Đường N5, nối các điểm kinh tế quan trọng như cửa khẩu Nậm Cắn hay đường Hồ Chí Minh, kết hợp với giao thông đường thủy để đáp ứng nhu cầu lưu thông, trao đổi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sở hữu nhiều cụm công nghiệp lớn: thị trấn Đô Lương, Lạc Sơn,Thượng Sơn, Hòa Sơn, Đại Sơn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tại nhiều lĩnh vực; nguồn nhân lực dồi dào, trình độ dân trí cao, cần cù lao động sản xuất, Đô Lương nay dần mang dáng dấp của một vùng công nghiệp. Đơn cử tuyến đường N5 nối từ Quốc lộ 1A kéo dài đến Hòa Sơn (Đô Lương) đang trở thành một “xa lộ công nghiệp” mới của Nghệ An, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế toàn tỉnh.

Đô Lương: Điểm sáng bất động sản mới nổi phía Tây Nghệ An - 1
Đô Lương còn có lợi thế du lịch từ những di tích lịch sử, thắng cảnh: Truông Bồn, đền Quả Sơn, suối nước nóng Giang Sơn, hang Mắt Trắng, đập Đá Bàn, đập Khe Du, đập Khe Ngầm, Bãi Bồi, lèn đá Thung…

Báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Phùng Thành Vinh cho biết, năm 2018, tổng giá trị sản xuất năm của Đô Lương tăng 13,37%, tổng giá trị gia tăng tăng 14% so với năm 2017. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 81,61 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,18 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách năm 2018 đạt gần 244 tỷ đồng và 2 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 32 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ lệ nông - lâm nghiệp giảm dần, thương mại - dịch vụ tăng lên.

Đô Lương: Điểm sáng bất động sản mới nổi phía Tây Nghệ An - 2
Đô Lương được đánh giá là địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh và đồng đều, luôn thuộc top đầu của tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá Đô Lương “đang hội tụ đủ mọi yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá. Năm 2020, huyện tiếp tục phát huy nội lực để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng CN, TTCN; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thu hút đầu tư, xây dựng các cụm, điểm khu công nghiệp, tạo ra các cực tăng trưởng kinh tế có tác động lan tỏa; phấn đấu đưa Đô Lương trở thành huyện có nền kinh tế mạnh của tỉnh, là trung tâm kinh tế - xã hội ở phía Tây Nghệ An.

Đánh thức tiềm năng BĐS Đô Lương

Để biến tiềm năng thành hiện thực, theo mục tiêu Đại hội XIX Đảng bộ huyện, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 46,63%, Đô Lương đang tập trung nguồn lực vào việc nâng cấp hệ thống chợ và Trung tâm thương mại trên địa bàn.

Trong đó, Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương được xem là điểm nhấn trong hệ thống thương mại - dịch vụ, đang trong quá trình xây dựng để trở thành điểm trung chuyển hàng hoá từ trong Nam, ngoài Bắc, từ dưới Vinh lên theo các tuyến giao thông phân phối cung ứng cho các huyện vùng Tây Bắc và Tây Nam. Trong tương lai gần, dự án này sẽ trở thành hệ sinh thái kinh doanh độc đáo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phục vụ nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa với hàng nghìn mặt hàng và sản phẩm đa dạng, thúc đẩy nền kinh tế huyện cất cánh.

Đô Lương: Điểm sáng bất động sản mới nổi phía Tây Nghệ An - 3
TTTM kết hợp chợ truyền thống Đô Lương tọa lạc trên “Đại lộ thịnh vượng” Quốc lộ 7, là một trong những dự án trọng điểm sẽ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế chung của huyện

Những năm qua, Đô Lương cũng đã xây dựng được hệ thống các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, siêu thị vừa và nhỏ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của huyện như Khu đô thị Vườn Xanh, Khu đô thị Cầu Tiên, Khu mua sắm Bắc QL7, siêu thị Cầu Khuôn ở Hòa Sơn, hệ thống nhà hàng, khách sạn ven sông Lam dọc tuyến đê Cầu Dâu...

Trong năm 2019, trong 31 dự án với tổng số vốn gần 22.000 tỷ đồng thu hút đầu tư tại tỉnh Nghệ An, có hai dự án “khủng” sẽ được xây dựng tại huyện Đô Lương là Dự án Nhà máy sản xuất ngói, gạch ốp lát công nghệ cao tại xã Thái Sơn với mức đầu tư 89 tỷ đồng và Dự án Trung tâm thương mại Lan Chi Đô Lương tại xã Văn Sơn với mức đầu tư 66 tỷ đồng. Huyện cũng đang tích cực phối hợp với các nhà đầu tư triển khai các dự án như: Nhà máy may Minh Anh tại xã Quang Sơn, Nhà máy may có vốn đầu tư nước ngoài tại Cụm Công nghiệp Lạc Sơn, Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn..., tạo thành “cụm nam châm” thu hút lao động tại đa dạng ngành nghề, làm giàu cho huyện.

Để đạt được thành quả trên chỉ trong thời gian ngắn, UBND huyện Đô Lương luôn tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Huyện chú trọng giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, chặt chẽ; quyết liệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng “sạch” cho các dự án; miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập và một số loại phí trong 2 năm đầu... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư.

Với hướng đi đúng đắn, Đô Lương đang có những bước tiến dài trong hành trình trở thành huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh, đồng thời vụt sáng thành “ngôi sao” trên thị trường bất động sản Nghệ An, được đông đảo nhà đầu tư quan tâm rót vốn.