Dỡ hàng rào bảo hộ: Thị trường ôtô sẽ theo bước xe máy

Nguyên thứ trưởng Bộ Công nghiệp Nguyễn Xuân Chuẩn nhận định VN là thị trường lớn đối với ngành công nghiệp ôtô. Khi buộc phải dỡ bỏ hàng rào bảo hộ, xe giá rẻ Trung Quốc sẽ tràn vào và tạo ra một bức tranh hoàn toàn mới về thị phần.

Căn cứ nào khiến ông nhận định ôtô Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường?

Tôi cho rằng ngành công nghiệp ôtô sẽ lại giống xe máy. Vào những năm 1997-1998 giá xe máy của các liên doanh tại VN cao ngất ngưởng, Bộ trưởng Công nghiệp phải trả lời trước Quốc hội tại sao giá xe lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Khi chúng tôi cho phép làm xe máy Trung Quốc tại VN, Honda có đến than phiền cho xe Trung Quốc vào sẽ cạnh tranh không lành mạnh với họ. Tôi đã trả lời giá xe cao thế này người dân bao giờ có cơ hội mua xe; các ông yên tâm người có tiền vẫn mua xe Honda.

Đúng là khi xe Trung Quốc vào đã tạo một áp lực với các liên doanh và họ đã phải tung ra các kiểu xe giá rẻ để cạnh tranh. Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường phụ thuộc khá nhiều vào giá sản phẩm.

Ôtô cũng sẽ như vậy. Theo cam kết gia nhập WTO, VN sẽ phải dỡ bỏ hàng rào bảo hộ thuế nhập khẩu và cho phép Trung Quốc vào lập nhà máy sản xuất tại VN.

Có phải các liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô đã lãi lớn và đã đến lúc giảm giá bán xe?

Năm 1997, VN bắt đầu cấp phép cho nước ngoài đầu tư vào làm ôtô. Khi họ làm luận chứng kinh tế có đề cập giá bán xe khoảng hơn 20.000 USD/chiếc thì 7 năm hoàn vốn, nhưng giá xe thực tế cao hơn tới chục nghìn USD thì chỉ 3-4 năm sau họ đã có lãi.

Thị trường sẽ phân cấp đối tượng khách hàng, xe Nhật có thị phần riêng, xe giá rẻ hướng tới đối tượng khách riêng, song đó cũng là áp lực cạnh tranh lớn với các liên doanh buộc họ có những điều chỉnh thích hợp.

Ngay năm tới nếu Honda tung ra xe Civic giá khoảng 20.000 USD thì đây cũng là áp lực lớn với các liên doanh khác.

Kết thúc đợt kiểm tra gần 20 doanh nghiệp ôtô miền Bắc vừa qua, chỉ có 2-3 công ty đạt chuẩn, ông nhận xét gì về công tác cấp phép?

Thực ra những yêu cầu trong quyết định 115 của Bộ Công nghiệp chỉ là bất đắc dĩ, đưa ra để định hướng doanh nghiệp đừng làm gì quá sơ sài. Còn muốn đầu tư một nhà máy bài bản, vốn ban đầu ước khoảng 40 triệu USD.

Những doanh nghiệp "ăn xổi" bằng cách này hay cách khác lọt qua thì cũng bị thị trường đào thải. Anh nào làm tốt thì không có đủ xe mà bán.

Đây cũng chỉ là thời kỳ quá độ, các nước cũng trải qua những giai đoạn tương tự. Nhật Bản từ 70 hãng giờ trụ lại vài tên tuổi, Trung Quốc từ 400 nhà sản xuất ôtô giờ chỉ còn khoảng 70 hãng.

Quy hoạch ôtô lấy 4 tổng công ty nhà nước làm nòng cốt nhưng ngay cả những doanh nghiệp này qua kiểm tra cũng chưa có đầu tư bài bản. Vậy có nên tiếp tục ưu ái cho họ?

Muốn thực hiện được quy hoạch thì phải có đủ thị trường. Giờ thuế má, nguyên vật liệu, xăng dầu đều tăng tác động lớn đến những dự báo đưa ra trong quy hoạch. Đã đến lúc Nhà nước không cần phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nòng cốt hay doanh nghiệp tư nhân, cứ anh nào làm tốt anh ấy được hưởng ưu đãi.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp VN là thiếu công nghệ, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng VN không bao giờ làm được xe con?

Do không có tiền khi liên doanh với các đối tác nước ngoài, phía VN bỏ hoàn toàn phần sản xuất trước đây, hậu quả là phụ thuộc hết vào đối tác. Trung Quốc lại khác, sản xuất cũ vẫn cứ làm bên cạnh những hạng mục mới, khi hết thời hạn liên doanh họ tiếp quản cả nhà máy lẫn công nghệ.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng thế mạnh của VN ở con người. Phía nước ngoài không thể mang toàn bộ chuyên gia sang VN làm việc được. Ngành công nghiệp này dứt khoát phát triển vì thị trường lớn lắm.

Công nghiệp ôtô Thái Lan phát triển mạnh nhưng họ toàn làm xe dưới mác Nhật. Liệu VN có đi theo mô hình đó?

 Trong chiến lược ôtô, VN sẽ phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy thị trường hiện tại có quy mô nhỏ nhưng tại nhiều cuộc tiếp xúc với Bộ Công nghiệp, các nhà đầu tư cho hay họ sẽ làm phụ tùng nếu ta có chính sách thỏa đáng.

Cụ thể là thay vì làm nhiều chi tiết họ muốn đầu tư làm một vài loại nhưng với khối lượng lớn để phục vụ cả xuất khẩu, giá trị đó được tính tương đương bao nhiêu ôtô và hưởng ưu đãi nội địa hóa. Hồi đó Bộ Công nghiệp ủng hộ nhưng Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ phản đối. Sắp tới chính sách thế nào thì tôi chưa rõ.

Thuế nhập khẩu giảm, xe giá rẻ tràn vào, các liên doanh sẽ tận dụng ưu thế từ công ty mẹ để tăng cường nhập xe về bán, doanh nghiệp trong nước thì đầu tư manh mún, vậy công nghiệp ôtô VN sẽ phát triển ra sao?

Nếu nhập xe về bán có lợi hơn thì các liên doanh sẽ làm. Đúng là khi lập chiến lược ôtô chưa ai nghĩ đến chuyện VN gia nhập WTO nhưng phát triển công nghiệp ôtô là chuyện lâu dài. Hiện thế giới trung bình 10 người có một xe con, tới năm 2030, 5 người sẽ sở hữu 1 chiếc.

Ở VN, 140 người mới có 1 xe. Tới 2030, VN là nước công nghiệp hóa, chỉ cần tính 10 người có 1 xe thị trường đã lên tới 8 triệu chiếc, không có lý gì mà lại không có ngành công nghiệp ôtô. Chỉ cần mỗi hãng một năm làm được 100.000 xe là họ sẽ đầu tư rất mạnh.

Theo VnExpress