Đồ chơi trung thu: Mặt nạ giấy bồi, cả phố Hàng Mã, sót lại một hàng
(Dân trí) - Mặt nạ giấy bồi vốn là món đồ chơi dân gian của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, nó rất phổ biến và thu hút trẻ em. Nhưng cho đến nay, không còn mấy người gắn bó với nghề này.
Người lớn cũng chẳng biết mặt nạ giấy bồi
Trẻ con thời nay quen với âm nhạc điện tử, với những nhịp điệu sôi động, ít đứa trẻ để tâm tới những giai điệu, trò chơi dân gian như trước đây.
Cũng vì thế, nhiều năm trở lại đây, hình ảnh đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi cũng chỉ còn trong những câu chuyện hồi ức. Đến cả một chiếc đầu sư tử để múa lân – sư – rồng cũng được thay bằng nhựa, chứ không còn là sản phẩm từ giấy bồi.
Thậm chí, dịp Tết Trung thu năm ngoái trên khu phố Hàng Mã (Hà Nội), chỉ còn đúng một gian hàng bán mặt nạ giấy bồi. Cửa hàng này nằm lẻ loi giữa những gian hàng đầy rẫy súng ống, các đồ chơi nhựa, cao su với hình thù kì quái.
Thế nhưng, điều đáng nói hơn là ngay cả một số người lớn dẫn con đi qua cũng không biết tên gọi của những món đồ chơi dân gian này. Không ít người còn bảo với con rằng, đó là “mặt nạ xưa”.
Giữ “hồn” cho mặt nạ giấy bồi phố cổ
Giữa những cửa hàng đồ chơi xanh đỏ lấp lánh bằng nhựa trên phố Hàng Mã, một gian hàng mặt nạ giấy bồi của nghệ nhân duy nhất ở phố cổ còn sót lại, đó là gian hàng của bà Đặng Hương Lan.
Gia đình bà Lan (Hàng Than, Hoàn Kiếm) cũng là hộ duy nhất tại phố cổ còn gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi. Chia sẻ về cái nghề mà nhiều người đã bỏ ngang này, bà Lan nói, đây là nghề truyền thống của gia đình. Tính đến nay, gia đình đã có gần 50 năm gắn bó với nghề.
Theo bà Lan, cũng giống như bao nghề truyền thống khác, mặt nạ giấy bồi đang bị mai một theo thời gian. Trước đây, không riêng gì gia đình bà Lan mà nhiều gia đình ở phố cổ đều làm mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao bán dịp Tết Trung thu.
Mặt nạ giấy bồi hiện nay ít được trẻ nhỏ yêu thích
Nhưng từ khi du nhập văn hóa, cộng với ngành công nghiệp đồ chơi lên ngôi, thì cũng giống như nhiều sản phẩm truyền thống khác, mặt nạ giấy bồi đã dần rơi vào quên lãng.
Nhiều lần, bà Lan cũng có ý định bỏ. Nhưng vì yêu cái nghề, yêu chiếc mặt nạ giấy mà bà không đành lòng. Chưa kể, với bà Lan, đây lại là nghề cha ông để lại suốt 50 năm qua.
“May mắn thay, một vài năm trở lại đây, mặt nạ giấy bồi được nhiều phụ huynh tìm lại và mua cho con mình. Vậy nên, mỗi dịp Trung thu, tôi lại bày bán sản phẩm của gia đình mình trên phố Hàng Mã tại một sạp hàng nhỏ”, bà Lan chia sẻ.
Thế nhưng, điều khó khăn là, mặt nạ giấy bồi có mức giá từ 35 – 40 nghìn đồng/chiếc, cao hơn hẳn mặt nạ nhựa chỉ khoảng 10 nghìn đồng. Mức giá cao hơn gấp gần 4 lần khiến không ít phụ huynh cũng không mặn mà với mặt nạ giấy bồi.
Không những vậy, nhiều trẻ con bây giờ thích mặt nạ nhựa hơn vì được làm rất giống thật. Còn mặt nạ giấy bồi chỉ khoảng 3 năm trở lại đây là được quan tâm, nên vẫn còn là điều xa lạ với nhiều trẻ nhỏ.
Đầu lân. mặt nạ giấy bồi hiện nay đều nhập từ các làng nghề ở các tỉnh khác
Mỗi năm bày bán mặt nạ giấy bồi trên phố Hàng Mã nhìn trẻ con thích thú với những loại đồ chơi từ nhựa như súng ống, mặt nạ nhựa mà không mặn mà gì gian hàng của mình, bà Lan cũng chạnh lòng.
“Thế nhưng tôi nghĩ, mình cứ giữ nghề biết đâu rồi khi bày bán trên phố có người thích thú. Họ sẽ lại tìm hiểu và muốn học nghề. Khi đó, gia đình tôi sẽ truyền nghề lại”, bà Lan chia sẻ.
Gia đình bà Lan đã dành nửa thế kỉ để làm mặt nạ giấy bồi và giữ lấy nghề của cha ông. Tuy nhiên, điều mà mà bà Lan lo lắng nhất chính là sau này nghề mặt mạ giấy bồi sẽ không còn được thế hệ trẻ tiếp tục và một ngày nào đó, những chiếc mặt nạ giấy bồi không còn xuất hiện trên thị trường mỗi dịp Tết Trung thu.
Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ. Sau đó, lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt rồi bắt đầu dán. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.
Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô. Mặt nạ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh. Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ.
Những hình khuôn chủ đạo của mặt giấy bồi được gia đình bà Lan làm như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn, hổ, báo … và để phù hợp với xu hướng thị trường, gia đình bà Lan cũng đã sáng tạo nên những hình thù khác như: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, người nhện...
Thế Hưng