DNNN đầu tư vào ngành khác không vượt quá 30% vốn

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, trong đó quy định vốn đầu tư không vượt quá 30%.

Tại tờ trình số 40/BTC-TTr, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Nguyên nhân khiến Bộ đưa ra tờ trình là do, sau hơn 3 năm thực hiện Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

“Nhà nước chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động này nên có nhiều công ty nhà nước huy động vốn quá lớn, dư nợ phải trả lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến an ninh tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 70 tập đoàn, tổng công ty thì có 30 tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn vượt trên 3 lần, thậm trí nhiều đơn vị vượt trên 20 lần như: Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 gấp 42 lần, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 gấp 22,5 lần, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam gấp 21,5 lần, Tập đoàn công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam gấp 21,8 lần ...

Ngoài ra, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vốn từ các công ty tài chính, ngân hàng có vốn góp của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, do được hưởng nhiều ưu đãi rất dễ dẫn đến đổ vỡ dây chuyền khi mất khả năng thanh toán.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành không hạn chế phạm vi ngành nghề, lĩnh vực và quy mô đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, nên nhiều công ty nhà nước đã góp vốn đầu tư hoặc mua cổ phần, vốn góp tại nhiều doanh nghiệp khác, phân tán vào nhiều lĩnh vực kể cả lĩnh vực ngành nghề không thuộc lĩnh vực ngành nghề chủ yếu của các công ty nhà nước; trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty đã dành một lượng vốn khá lớn đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm hoặc mua bán cổ phiếu trên thị trường.

Trong số 70 tập đoàn, tổng công ty hiện đã có 28 tập đoàn, tổng công ty hoạt động đầu tư chứng khoán, đầu tư thành lập công ty chứng khoán, đầu tư vào công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm với giá trị đầu tư là 23.344 tỷ đồng, chiếm 8,7% vốn chủ sở hữu và 20% tổng số vốn đầu tư ra ngoài tập đoàn, tổng công ty.

“Việc đầu tư vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và mua bán cổ phiếu trên thị trường là những lĩnh vực nhạy cảm, thuộc thế mạnh của các tổ chức tài chính tín dụng, nên dễ mang lại những rủi ro đối với công ty nhà nước chưa có kinh nghiệm trong kinh doanh lĩnh vực này” - Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị cần có mức khống chế đối với hoạt động đầu tư tài chính của công ty nhà nước để hạn chế rủi ro và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính. “Các công ty nhà nước phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có ngành nghề kinh doanh chính (hoặc chủ yếu). Tổng mức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) không vượt quá mức vốn điều lệ của công ty nhà nước”.

Nguyễn Hiền