Dính tin đồn, cổ phiếu giảm sàn liên tiếp 10 phiên, mất một nửa thị giá
(Dân trí) - Tin đồn trên thực tế là một phần không thể thiếu trên thị trường chứng khoán, trong số đó, có khi tin đồn đã thành sự thực nhưng không ít tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường.
Tuần qua, cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị đã có chuỗi điểm "ấn tượng" với liên tiếp 10 phiên giảm sàn. Cụ thể, từ phiên 6/12 đến phiên 16/12, giá cổ phiếu CDO liên tục giảm sàn 10 phiên từ mức 35.000 đồng xuống 17.150 đồng, tương đương mức giảm 51%, cùng với giảm sàn thì cổ phiếu CDO gần như mất thanh khoản. Tại nhiều thời điểm trong phiên giao dịch, hàng triệu cổ phiếu CDO bị bán giá sàn nhưng gần như không có thanh khoản.
Cùng thời điểm, trong thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện rất nhiều tin đồn xấu liên quan đến cổ phiếu CDO. Tin đồn trên cộng với việc các công ty chứng khoán hạ tỷ lệ margin đã khiến cổ phiếu CDO giảm sàn nhiều phiên liên tiếp.
Chiều muộn ngày 19/12, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CDO phải lên tiếng phủ nhận các tin đồn liên quan tới mình. Trong thư ngỏ gửi cổ đông công ty về tình hình hoạt động của công ty, Chủ tịch Vũ Đình Nhân cho biết, ông hiện đang công tác và hoàn thành một khoá học quản lý cấp cao tại Mỹ và sẽ có mặt ở Việt Nam vào ngày 24/12/2016 để tập trung xử lý các vấn đề nêu trên, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông Công ty.
"Hiện tại, CDO cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan điều tra để làm rõ các thông tin. Đồng thời Công ty cũng đã và đang tiếp xúc, gặp gỡ đại diện một số các Công ty chứng khoán, các nhà đầu tư để kịp thời xác nhận các tin đồn trên là không đúng sự thật và cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của Công ty", ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, mọi hoạt động công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ một thông tin bất lợi nào trong hoạt động làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, lợi nhuận sau thuế tính đến hết quý 3/2016 là gần 28 tỷ đồng và cả năm 2016 ước đạt 47 tỷ đồng. Ngoài các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, CDO cũng đang tiến hành các thủ tục cấp phép cần thiết để xây dựng một dự án tại Lào.
Tin đồn trên thực tế là một phần không thể thiếu trên thị trường chứng khoán, đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây, số lượng tin đồn liên quan đến các doanh nghiệp niêm yết lại xuất hiện khá dày đặc. Trong số đó, có khi tin đồn đã thành sự thực nhưng không ít tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường.
Hồi tháng 7 vừa qua, cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành chỉ qua hơn 10 phiên giảm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu đã giảm một nửa. Liên tục những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, về cá nhân ông Võ Trường Thành như rút khỏi HĐQT của Khoáng sản Bình Dương, không còn là người đại diện pháp luật cho Gỗ Trường Thành … tiếp tục hỗ trợ cho sự sụt giá của TTF.
Hay như với trường hợp cổ phiếu MTM (Công ty cổ phần mỏ và xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung) bị tạm dừng giao dịch chỉ sau khoảng 2 tháng chào sàn Upcom, trên thị trường đã liên tiếp rộ lên tin đồn về việc có liên quan giữa cổ phiếu MTM với cổ phiếu KSA (Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận – đang niêm yết tại HOSE) và KHB (Công ty cổ phần khoáng sản Hòa Bình – đang niêm yết tại HNX)?
Tin đồn trên khiến cổ phiểu KHB giảm sàn liên tiếp 11 phiên trước khi quay đầu dư mua trần với số lượng khớp “khủng” lên tới 9,5 triệu vào phiên 08/07/2016. Trong khi đó, cổ phiếu KSA cũng giảm sàn liên tiếp 11 phiên, chỉ còn 2.600 VND/cổ phiếu, mức giá thấp nhất lịch sử của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết.
Trong năm 2015, Đất Xanh Group ( DXG ) là doanh nghiệp “mở màn” cho chuỗi tin đồn tiêu cực liên quan đến doanh nghiệp trong năm 2015. Thời điểm cuối tháng 4, thị trường xuất hiện hàng loạt thông tin như “Đất Xanh lừa đảo Gia Phú Land, Đất Xanh thiệt hại hàng trăm tỷ”….. Những tin đồn này khiến giá cổ phiếu DXG giảm mạnh trên thị trường từ vùng 17.000 đồng xuống 13.000 đồng tại thời điểm đó.
Sau Đất Xanh, một tên tuổi lớn khác cũng dính tin đồn tiêu cực là Hoàng Anh Gia Lai ( HAG) trong năm 2015. Xuất phát từ một bản phân tích về những khó khăn mà HAGL đang gặp phải, trong đó có đề cập đến khoản nợ ngàn tỷ của tập đoàn và điều này khiến thị trường nổi lên thông tin HAGL “vỡ nợ”. Tuy nhiên, việc chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nhanh chóng đăng đàn, phản bác toàn bộ những thông tin thất thiệt về HAGL khiến thị giá HAG chỉ giảm nhẹ trong quãng thời gian này.
Cũng trong năm 2015, TTCK xuất hiện tin đồn ông Đặng Thành Tâm- chủ tịch HĐQT Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc ( KBC ) bị bắt giữ. Tin đồn này xuất hiện cùng với thời điểm điều chỉnh chính sách từ phía NHNN càng khiến nhà đầu tư trở nên hoảng sợ hơn. Cổ phiếu KBC giảm kịch sàn trong phiên giao dịch này, một cổ phiếu khác có liên quan là ITA cũng giảm 1,7% trong cùng phiên giao dịch.
Phiên giao dịch sau đó, ông Đặng Thành Tâm đã mau chóng gửi UBCK Nhà nước công bố thông tin về tình hình công ty và cho biết mọi hoạt động vẫn đang diễn ra bình thường. Không những vậy, chủ tịch KBC cũng đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC trong một động thái dập tan tin đồn...
Phương Dung