Đình chỉ “sếp” ngân hàng VDB nếu ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt
(Dân trí) - Theo dự thảo của Bộ Tài chính, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc của ngân hàng VDB sẽ bị đình chỉ công việc nếu để ngân hàng “rơi” vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt.
Được thành lập từ tháng 5/2006, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là ngân hàng chính sách 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước, hoạt động theo Luật ngân sách nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng nhưng không chịu sự quản lý đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước, mà Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại ngân hàng này.
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Quyết định Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Cơ cấu tổ chức quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam gồm hội đồng thành viên, ban Kiểm soát, tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.
Cũng theo dự thảo, trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền thành lập có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc nếu xét thấy cần thiết.
Trường hợp Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc vi phạm quy định của pháp luật và Điều lệ này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cơ quan có thẩm quyền có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của những đối tượng vi phạm này.
Chiếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động.
Và khi bị đình chỉ, tạm đình chỉ công việc, theo dự thảo Bộ Tài chính, người đó phải có trách nhiệm tham gia xử lý các tồn tại và sai phạm có liên quan đến trách nhiệm cá nhân khi có yêu cầu của Hội đồng thành viên và Ban kiểm soát của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Ban kiểm soát đặc biệt hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng với cơ chế đặc thù, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập nhằm thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm); không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với các hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, VDB được vay vốn và nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, giấy tờ có giá của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 sẽ tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỉ đồng. Ngân hàng VDB cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động của Ngân hàng theo ba giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn 1 từ 2013 -2015; Giai đoạn 2 từ 2015 – 2020 và Giai đoạn ba từ sau năm 2020.
An Hạ