Dìm giá để... mua vào?

Trong hai ngày qua, hầu hết các mã cổ phiếu (tính chung cả chứng chỉ quỹ) trên sàn TPHCM (HOSE) đều giảm giá. Trước đây, mỗi khi giá cổ phiếu giảm thì phía nước ngoài tăng mua, nhưng mấy ngày qua nước ngoài lại tăng bán và giảm mua. Động thái đó nhằm mục đích gì?

Nếu thị trường xuống, giá IPO của VCB sẽ thấp?

So với thị trường chứng khoán Trung Quốc, nơi các cổ phiếu niêm yết có chỉ số P/E bình quân trên 50 lần, thì giá hầu hết các cổ phiếu trên sàn HOSE còn rất rẻ. Vì vậy, nhiều tổ chức đầu tư tài chính khi đã nắm hết room của những cổ phiếu blue-chips thì họ chưa muốn bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận.

Ông Nguyễn Quý, một nhà đầu tư trên sàn SSI, suy luận: “Với mục tiêu phải mua gom nhiều hơn nữa để nắm giữ lâu dài, khối đầu tư nước ngoài đang tìm nhiều cách dìm giá cổ phiếu trên sàn xuống để mua vào.

Hiện nay, đang là thời điểm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đàm phán để mua cổ phần Vietcombank (VCB) và sau đó là cuộc đấu giá IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của ngân hàng này. Do VCB là doanh nghiệp lớn, đang được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, vì vậy giá IPO của ngân hàng này sẽ ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá cổ phiếu trên toàn thị trường.

Nếu cao, nó sẽ kích hoạt làm cho thị trường tăng nóng; còn nếu thấp, thị trường có thể sẽ trở nên ảm đạm. Với mục tiêu mua để nắm giữ lâu dài, khối nước ngoài không muốn giá IPO của VCB thành công ở mức cao.

Vì vậy, khối nước ngoài đang giảm mua để dìm giá cổ phiếu xuống, làm cho cuộc đấu giá VCB giảm nhiệt? Khi giá VCB thấp, mặt bằng giá của nhiều loại cổ phiếu blue-chips cũng sẽ bị kéo xuống theo. Và nước ngoài sẽ tung tiền ra mua để tiến hành thâu tóm sau này.

Muốn có báo cáo tài chính đẹp

Việc cổ phiếu tăng giá đột biến trong tháng qua có thể là điều ngoài ý muốn của nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài. Do thời điểm kết thúc năm tài chính (31-3) đang đến gần, nên nhiều quỹ đầu tư nước ngoài mới vào VN đang nóng lòng muốn mua hàng chứa đầy tài khoản.

Tuy nhiên, hiện nay giá nhiều cổ phiếu đã vượt cao hơn mức đáy sâu; vì vậy họ muốn kéo giá cổ phiếu xuống thấp hơn để mua. Nếu gom được hàng giá thấp, sang quý I/2008, khi thị trường lên đỉnh, họ bán ra sẽ thu siêu lợi nhuận.

Thành quả đó giúp họ có được báo cáo tài chính đẹp để trình ra cho toàn thể cổ đông. Điều đó tạo cơ hội tốt cho tổ chức đầu tư huy động thêm vốn trong những năm tới.

Không nên bán vội khi xu hướng giá đang lên

Các động thái mua - bán bất thường của khối đầu tư nước ngoài đang được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lưu tâm. Trong vòng 5 - 6 tháng nữa, nếu nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu thì sẽ được hưởng trọn vẹn kết quả làm ăn của cả năm nay (trừ một số đơn vị đã chia tạm ứng cổ tức).

Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu (như: REE, ACB, STB...) sau khi quyết toán xong năm tài chính 2007 để tăng vốn (một số còn phát hành thêm cổ phiếu mới), do đó giá trị quyền lợi của cổ đông sẽ được nhân lên.

Chính vì những quyền lợi đó sẽ giữ và đẩy giá cổ phiếu ngày càng tăng cao cho đến chu kỳ suy giảm (từ cuối quý II hằng năm). Vì vậy, theo ý kiến của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, trong khoảng thời gian này nếu thấy khối nước ngoài hành động bất thường thì không nên hoảng hốt. Nếu chưa cần tiền, không muốn lướt sóng, chưa muốn chuyển đổi cơ cấu đầu tư... thì không nên bán vội những cổ phiếu giàu tiềm năng.

Theo Trần Phú Minh
Báo Người lao động