Điều gì giúp người Mỹ thống trị các giải Nobel kinh tế?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng các chính sách thu hút nhân tài và các hỗ trợ hào phóng của Chính phủ cho nghiên cứu khoa học đã giúp Mỹ trở thành quốc gia thống trị giải Nobel kinh tế.

Ngày 14/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2024 thuộc về 3 nhà khoa học là Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson.

Theo Reuters, ông Daron Acemoglu (57 tuổi) là nhà kinh tế học hàng đầu thế giới, đang làm việc tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã nhận bằng Tiến sĩ từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) vào năm 1992 và hiện là Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Ông Simon Johnson (61 tuổi) đang là Giáo sư tại MIT, đồng nghiệp với Acemoglu. Ông nhận bằng Tiến sĩ từ MIT vào năm 1989.

Cuối cùng, ông James A Robinson (64 tuổi) là nhà khoa học chính trị và kinh tế học. Ông nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Yale vào năm 1993. Hiện, Robinson đang là Giáo sư tại Đại học Chicago, trung tâm nghiên cứu kinh tế học hàng đầu thế giới.

Điều gì giúp người Mỹ thống trị các giải Nobel kinh tế? - 1

Ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, James Robinson, và Simon Johnson (từ trái qua) nhận giải Nobel Kinh tế năm nay (Ảnh: Reuters, MIT).

Bộ 3 nhà khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Nghiên cứu đoạt giải chỉ ra rằng các xã hội với thể chế yếu kém và thiếu pháp quyền thường không tạo ra tăng trưởng tích cực, giải thích tại sao nhiều quốc gia mắc kẹt trong nghèo đói.

Đến nay, giải Nobel Kinh tế đã được trao 56 lần. Người chiến thắng trẻ nhất là 46 tuổi, trong khi người lớn tuổi nhất là 90. Mỹ đang là quốc gia thống trị giải thưởng này. Cụ thể, 65 trên tổng số 96 nhà khoa học được giải mang quốc tịch Mỹ, một số người mang 2 quốc tịch.

Các giải Nobel Kinh tế từ năm 2015 đến nay

NămNgười đoạt giải Công trìnhQuốc gia
2024Daron Acemoglu, Simon Johnson, James A. RobinsonTầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của mỗi quốc gia Mỹ

2023

Claudia GoldinThu nhập và đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao độngMỹ

2022

Ben Bernanke, Philip Dybvig và Douglas DiamondVai trò của ngân hàng trong khủng hoảng tài chính Mỹ 

2021

David Card, Joshua Angrist và Guido ImbensKinh tế lao động và phương pháp luận trong quan hệ nhân quảCanada, Mỹ, Hà Lan

2020

Paul R.Milgrom và Robert B.WilsonThuyết đấu giáMỹ

2019

Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael KremerCách tiếp cận thực nghiệm trong giảm nghèo toàn cầuMỹ, Pháp

2018

William Nordhaus

Paul Romer

Kinh tế học khí hậu

Thuyết tăng trưởng nội sinh

Mỹ

2017

Richard H.Thaler

Kinh tế học hành vi

Mỹ

2016

Oliver Hart và Bengt Holmstrom

Lý thuyết hợp đồng

Mỹ, Phần Lan

2015

Angus Deaton

Mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi

Mỹ

Forbes cho rằng Mỹ thống trị giải Nobel nhờ dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, thông qua các khoản hỗ trợ hào phóng của Chính phủ. Mỹ cũng có các biện pháp khuyến khích giáo dục bậc cao và sự cởi mở trong chính sách thu hút nhân tài khắp thế giới. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng như các quỹ đầu tư tại Mỹ cũng sẵn sàng chi tiền cho nghiên cứu trong dài hạn.

Theo số liệu của cơ quan hỗ trợ hoạt động khoa học National Science Foundation, năm 2022, Mỹ đã chi 886 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng 12% so với năm 2021. Nguồn tài trợ lớn nhất đến từ nhóm doanh nghiệp với 673 tỷ USD. Chính phủ Mỹ xếp thứ hai với 160 tỷ USD.

Ông David Baltimore, người được trao giải Nobel Y học năm 1975, cũng chia sẻ rằng tài trợ cho nghiên cứu cơ bản là yếu tố cốt lõi giúp Mỹ thống trị các giải Nobel hàng năm.

"Đây là sức mạnh của các viện nghiên cứu và trường đại học của chúng tôi", ông nói với AFP. Hoạt động từ thiện và các khoản đóng góp cá nhân càng khiến nguồn tài chính cho nghiên cứu càng dồi dào.

Giải Nobel Kinh tế là giải thưởng cuối cùng được trao trong mùa Nobel hàng năm. Quy trình đề cử, lựa chọn và trao giải Nobel Kinh tế cũng tương tự các lĩnh vực khác, với danh tính các ứng cử viên và thông tin liên quan được giữ bí mật trong 50 năm. Người chiến thắng giải Nobel Kinh tế sẽ nhận được huy chương, chứng nhận và hơn 1 triệu USD.

Thực tế, giải thưởng này không nằm trong danh sách giải thưởng ban đầu được đề xuất trong di chúc của Alfred Nobel. Nó được bổ sung vào năm 1968 nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Sveriges Riksbank, đơn vị tài trợ quỹ cho giải thưởng này.

Theo Reuters, CNBC