Điệp khúc ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

Các ngân hàng đang phải đối diện với thực tế thừa tiền, nhưng khó cho vay, trong khi doanh nghiệp không dễ tiếp cận vốn vay, vì khó đáp ứng điều kiện tín dụng.

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa cuối năm” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển kinh doanh khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của VPBank nhận xét, lãi suất cho vay vốn bằng VND và ngoại tệ hiện đã giảm nhiều so với đầu năm, lãi suất không còn là rào cản đối với doanh nghiệp trong việc quyết định sử dụng vốn vay sản xuất, kinh doanh và đầu tư mới.

 

Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng ước đạt 5,2%
Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng ước đạt 5,2%
 

“Thế nhưng, muốn cho vay cũng không phải là bài toán dễ với VPBank. Với những doanh nghiệp chấp nhận vay vốn với lãi suất cao, ngân hàng cũng thận trọng, không dám “rót” vốn, vì e ngại rủi ro gia tăng”, ông Tuấn thừa nhận.

 

Chính vì lo ngại rủi ro nợ xấu tăng, nhất là trước diễn biến tình hình kinh tế còn khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp chưa thể phục hồi, nên theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, đối với hoạt động ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, điều tiên quyết chính là kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.

 

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện tốt hơn nhiều so với đầu năm; nguồn tiền khả dụng của nhiều ngân hàng đang khá dôi dư, song không ít doanh nghiệp vẫn than rằng, rất khó tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng.

 

Chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất hàng gia dụng cho biết, để có thể tiếp cận vốn vay hiện rất khó, vì ngân hàng luôn “chọn mặt gửi tiền”, nên đòi hỏi nhiều thủ tục, thời gian thẩm định kéo dài… “Mặt khác, ngân hàng công bố mức lãi suất cho vay ưu đãi 7 - 8%/năm, nhưng khi thẩm định xong, lại chỉ đồng ý cho vay với mức 12%/năm, nên doanh nghiệp cũng khó xử”, vị này nói.

 

Ông Đặng Quang Minh, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Gò Vấp (TP.HCM) cho rằng, các ngân hàng quảng bá rầm rộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, song khi tiếp cận tận nơi mới nhận thấy, không dễ gì đáp ứng được những điều kiện mà ngân hàng đưa ra.

 

Trong khi đó, Tổng giám đốc SeABank ông Đặng Bảo Khánh cho hay, không chỉ với ngân hàng, mà ngay cả phía doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn tái cơ cấu. “Nếu không thể tái cơ cấu được, các doanh nghiệp cũng nên chọn giải pháp dứt khoát, xử lý khoản vay càng sớm càng tốt, chọn một giải pháp mới, trở thành doanh nghiệp mới, không nên để vốn vay và tiền tự có mất, phải tạo lịch sử “sạch” cho doanh nghiệp. Như vậy, ngân hàng mới dám cho vay và hồ sơ vay vốn được xét duyệt nhanh chóng”, ông Khánh khuyến cáo.

 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, muốn giải quyết được bài toán “thừa tiền, thiếu vốn”, không thể kỳ vọng trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, để có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trước hết doanh nghiệp phải quản trị được dòng tiền. “Để quản trị tốt dòng tiền, doanh nghiệp cần sử dụng vốn đảm bảo tính bền vững phát triển, không tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn mà làm giảm nguồn lực phát triển của doanh nghiệp”, ông Hiển nói.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ước đạt 5,2%, song dư nợ của một số ngân hàng lớn vẫn âm. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank âm 1,3%; của VietinBank chỉ tăng là 0,37%.

 

Tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng nhỏ tuy cao hơn nhiều, song lại không có ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn, trong 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) thậm chí đạt 12%.

 

Song như chính ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Nam A Bank thừa nhận: “Để có thêm dư địa cho vay trong những tháng cuối năm, NamA Bank đã xin Ngân hàng Nhà nước tăng “room” tín dụng lên 30%. Tuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối, thì việc tăng “room” tín dụng của NamA Bank cũng chỉ có thể tăng thêm được khoảng 1.000 tỷ đồng dư nợ”.

 

So với nhóm ngân hàng lớn, tỷ lệ dư nợ tín dụng của các ngân hàng nhỏ và vừa trong hơn 2 quý vừa qua chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dư nợ của toàn ngành.

 

Theo Thùy Vinh

Đầu tư