Điểm sáng kinh tế cực Nam Tổ quốc
(Dân trí) - Những dự án trọng điểm mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tài trợ ở một số tỉnh ĐBSCL đã lần lượt đi vào hoạt động, đem lại lợi ích to lớn cả về kinh tế và xã hội, được kỳ vọng “thắp sáng” kinh tế cực Nam tổ quốc.
Trước năm 2010, vùng bãi bồi ven biển thuộc ấp Biển Đông, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu chỉ là những vuông tôm, rừng ngập mặn… Không ai nghĩ khu vực này có thể trở thành một địa điểm du lịch, nhất là sẽ có một tổ hợp năng lượng công nghệ cao mọc lên tại đây. Nhưng đến nay, nhiều đoàn du khách đã tìm đến đây để chiêm ngưỡng những cột điện gió hiện đại đầu tiên tại Việt Nam mọc lên ngay trên mặt biển. Sẽ khó có thể có điều này nếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam không vào cuộc, cho vay để dự án hình thành.
Theo Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công lý – chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu, dự án điện gió này được khởi công từ tháng 9/2010, đây là dự án điện gió đầu tiên tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mặc dù nơi đây có gió tốt nhất trong khu vực và không có vật cản gió, tuy nhiên, điện gió cần vốn đầu tư lớn, khả năng sinh lời không nhanh, nên rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại. Chỉ khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ vào cuộc, nhà máy điện gió Bạc Liêu mới dần mọc lên.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công lý cho biết: Đến nay, dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 đã được VDB giải ngân nguồn vốn trên 644 tỷ đồng, đạt trên 95% hợp đồng vay vốn. Và kết quả, đến nay, trên bờ biển xã Vĩnh Trạch Đông đã “mọc” lên 10 cột điện gió sừng sững, mỗi cột có công suất phát điện 1,6MW. Dự án đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025 (quy hoạch điện VII)
Dự kiến, nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ bắt đầu hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1/2013. Ông Tô Hoài Dân tin tưởng khi đi vào hoạt động, về lâu dài, nhà máy điện này sẽ có thể đóng góp cho ngân sách tỉnh Bạc Liêu cả trăm tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ông Dân cũng có kế hoạch biến khu vực nhà máy điện gió thành trung tâm du lịch, thu hút khách trong vùng đến nghỉ dưỡng. Với những cột điện gió cao 80m, đường kính đáy lên tới 4m, cánh quạt có sải cánh 42m… tô điểm nền trời và nằm trên mặt nước biển, cách đất liền cả cây số, hiện chưa có trung tâm du lịch nào mở ở đây nhưng đã có nhiều đoàn khách đến thăm “kỳ quan nhân tạo” này.
Ông Tô Hoài Dân cũng cho biết thêm, chúng tôi đang cho xây hệ thống đường dẫn từ đất liền kết nối với cả 10 trụ điện gió. Vì thế, du khách sắp tới sẽ có thể đi ra tận chân cột điện gió để thăm quan. Như vậy, nhà máy điện gió từ chỗ là dự án không thuộc diện hiệu quả để được các ngân hàng thương mại cho vay, tới đây nó sẽ không chỉ giúp tạo ra nguồn điện bổ sung cho nguồn cung điện khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu trầm trọng, mà còn có thể giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương và trực tiếp giúp tỉnh Bạc Liêu có thêm một nguồn thu quan trọng để phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cùng với dự án điện gió Bạc Liêu, dự kiến khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ được hỗ trợ thêm 500 triệu USD để xây dựng 300 cột điện gió vào năm 2015. “Hãy thử tưởng tượng sẽ có những cột điện gió chạy dọc bờ biển, dài cả trăm km, hút tầm mắt, diện mạo Việt Nam sẽ đẹp như thế nào” - ông Dân vui vẻ nói và cho rằng, cần tiếp tục ưu đãi và chú trọng đầu tư cho các dự án phát triển bền vững, bởi nó không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, mà còn đem lại những hiệu quả về mặt xã hội khó có thể đong đếm hết khi lập dự án tiền khả thi.
Đánh giá về dự án, đồng chí Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh: Tỉnh Bạc Liêu tin tưởng vào sự thành công của dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đưa Bạc Liêu thoát khỏi tỉnh nghèo và lạc hậu trong Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhà máy điện gió không xả khí thải ra môi trường, có thể cùng phát triển hài hòa với ngành nông nghiệp và dịch vụ nên đảm bảo phát triển bền vững. Tỉnh Bạc Liêu sẽ quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ở ngay vùng phát triển điện gió để tận dụng diện tích mặt nước ven biển.
Ông Dũng cho biết thêm: Từ thành công của Nhà máy điện gió Bạc Liêu, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai dự án Trung tâm điện gió miền Tây tại các tỉnh ven biển Trà Vinh và Sóc Trăng. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, Trung tâm điện gió miền Tây có quy mô công suất khoảng 500 MW.
…đến Cụm tuyến dân cư vượt lũ
Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, những năm trước đây, tình trạng ngập lũ mùa nước nổi đã gây những tổn thất, mất mát to lớn cho người dân. Như riêng tại địa bàn tỉnh An Giang, năm 1991, có trên 67 ngàn ngôi nhà bị ngập và 73 người chết. Năm 1994, có hơn 86 ngàn ngôi nhà bị ngập, 166 người chết. Năm 1996, mức độ thiệt hại vẫn rất lớn, tới 120 ngàn ngôi nhà bị ngập và 35 người chết. Lũ năm 2000 có tới trên 157 ngôi nhà bị ngập, 134 người chết. Lũ năm 2001 có 31 ngôi nhà bị ngập và 101 người chết. Năm 2002 là 78 người chết, hơn 20 ngàn ngôi nhà bị ngập…
Thực hiện chương trình Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên bị ngập lũ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã nhanh chóng và trở thành nhân tố quan trọng hỗ trợ tích cực, thúc đẩy dự án. Tính riêng địa bàn tỉnh An Giang, từ 2002-2007, Ngân hàng Phát triển qua chi nhánh An Giang đã cho vay thực hiện chương trình trên 300 tỷ trong tổng số vốn 730 tỷ (số còn lại do ngân sách Trung ương cấp).
Kết quả, chỉ trong 5 năm, An Giang đã xây được 203 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với diện tích trên 838ha. Tổng số nền nhà được xây lên tới trên 398.533. Cơ sở hạ tầng cụm tuyến dân cư vượt lũ cũng được quan tâm, với 197 cụm, tuyến có hệ thống giao thông đường bộ; 151 cụm, tuyến có hệ thống cấp, thoát nước,; 202 cụm tuyến có hệ thống cấp nước sạch, có điện. Và con số ý nghĩa nhất là gần 30 ngàn hộ dân đã được vào ở trong cụm tuyến vượt lũ.
Giai đoạn 2 từ 2008-2012, trong tổng đầu tư hơn 630 tỷ, VDB cũng đã cho vay tới trên 315 tỷ và đã giải ngân xong trong tháng 6/2012. Tỉnh An Giang nhờ đó cũng đã xây thêm được 42 cụm, tuyến dân cư vượt lũ với tổng diện tích lên tới 224 ha với trên 11 ngàn nền nhà.
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, nhờ chương trình Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhiều hộ nghèo thường xuyên bị đe dọa bởi lũ lụt, sạt lở nay đã có chỗ ở ổn định, trẻ em đến trường an toàn hơn, sinh hoạt dân cư vẫn diễn ra bình thường, kể cả trong những năm có lũ lớn.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, chương trình Xây dựng cụm tuyến dân cư vùng thường xuyên ngập lũ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu long đã giúp đảm bảo an sinh vùng lũ, một số cụm tuyến dân cư vượt lũ đã trở thành hạt nhân để phát triển các điểm đô thị mới ở An Giang. Đặc biệt, chương trình đã giúp hạn chế đến thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của dân khi lũ về đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Chính quyền các cấp không còn phải lo sơ tán, cứu đói cho dân trong mỗi mùa nước lũ mà thay vào đó là việc tập trung hướng dẫn nhân dân thực hiện các mô hình sản xuất, khai thác lợi thế mùa nước nổi, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân.
Rồi đây, khi các dự án hoàn thành hết các giai đoạn, đi vào hoạt động sẽ đem lại lợi ích to lớn cả về kinh tế và xã hội đối với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xứng đáng là một Ngân hàng chính sách của Chính phủ, trở thành một định chế tài chính quan trọng cung cấp nguồn lực tài chính cho tăng trưởng kinh tế, có những đóng góp nhất định vào sự thành công của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế và tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nguyễn Thanh Liêm