Điểm mặt những công ty Mỹ tốt và dở nhất năm 2011 (kỳ 2)

(Dân trí) - Ngoài 10 doanh nghiệp được điểm mặt tốt nhất thì 24/7 Wall Street cũng liệt 9 doanh nghiệp Mỹ dưới đây vào danh sách những công ty Mỹ bị điều hành tệ nhất năm nay.

1. Avon Products

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Andrea Jung (12 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 40%

EPS quý gần nhất: đi ngang ở mức 0,38 USD

Sự kiện chính: Bị nhà chức trách Mỹ điều tra

 

Mỹ phẩm Avon sở hữu một trong những hệ thống nhượng quyền lớn nhất thế giới, nhưng bộ máy lãnh đạo của hãng đã gần như phá hủy hệ thống này. Năm 2011, Avon gặp rắc rối ở nhiều thị trường, chẳng hạn bị điều tra vì tội đưa hối lộ ở Trung Quốc; tăng trưởng doanh thu ở các thị trường lớn như Brazil và Nga giảm mạnh. Mới đây, Avon còn bị các nhà chức trách Mỹ điều tra sau những cáo buộc cho rằng ban lãnh đạo công ty có mối quan hệ không trung thực với giới phân tích Phố Wall. Theo tin mới nhất, Avon đang tìm người thay thế bà Andrea Jung ở ghế CEO.

 

2. Research In Motion (RIM)

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Jim Balsillie (19 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 71%

EPS quý gần nhất: giảm 57% còn 0,63 USD

Sự kiện chính: Giá trị hàng tồn kho Playbook giảm 485 triệu USD

 

RIM là nhà sản xuất điện thoại thông minh duy nhất trên thế giới cho tới khi chiếc iPhone của Apple “ra lò”. Nhưng mọi cơ hội tạo thế thống trị trên thị trường smartphone đều đã bị RIM bỏ lỡ. Ban lãnh đạo RIM góp phần phá hủy giá trị công ty bằng cách tung ra thêm nhiều sản phẩm được thiết kế “khó mê” và marketing tệ hại, gần đây nhất là chiếc máy tính bảng Playbook mang tham vọng cạnh tranh với iPad. Doanh số của Playbook u ám đến mức RIM phải giảm giá trị kho hàng tồn sản phẩm này tới 485 triệu USD. 3 tháng trước, RIM tuyên bố sẽ sa thải 2.000 trong số 19.000 nhân viên.

 

3. AMR

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Thomas Horton (chưa đầy 1 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 99%

EPS quý gần nhất: âm 0,48 USD, giảm từ mức 0,39 USD

Sự kiện chính: phá sản

 

Hãng mẹ của công ty hàng không American Airlines - hãng AMR - tuyên bố phá sản cách đây chưa lâu. Sai lầm trong quản lý lớn nhất gần đây của ARM là không thể giải quyết được mâu thuẫn với các phi công, khiến Phố Wall mất niềm tin và bán tháo cổ phiếu của công ty này. Tuy nhiên, nguồn gốc thất bại sâu xa của AMR là không chịu hợp nhất với một hãng lớn hơn như nhiều hãng hàng không khác của Mỹ đã làm để cắt giảm chi phí.

 

4. Eastman Kodak

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Antonio Perez (6 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 79%

EPS quý gần nhất: giảm 419% còn âm 0,83 USD

Sự kiện chính: có nguy cơ phá sản

Từ chỗ là một công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ ảnh và kỹ thuật số, Kodak bị đẩy dần tới bờ vực phá sản vì lối kinh doanh không hợp thời. Kodak đang rao bán kho bằng sáng chế để có tiền tồn tại, nhưng vẫn chưa nhận được một lời chào mua khả thi nào. Kodak gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài xin phá sản, vì không còn tiền để trả nợ và lương hưu CEO Antonio Perez tới giờ vẫn tuyên bố, Kodak sẽ đạt lợi nhuận trong năm tới, nhưng chắc không có ai tin ông.

 

5. Bank of America (BoA)

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Brian Moynihan (3 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 57%

EPS quý gần nhất: 0,56 USD, tăng từ mức âm 0,77 USD

Sự kiện chính: tuyên bố sa thải 30.000 nhân viên

 

Dù đang phải tìm mọi cách để huy động vốn, BoA vẫn ra sức thuyết phục giới đầu tư là họ làm ăn tốt. Phố Wall mất niềm tin vào BoA khi lãnh đạo ngân hàng này cố gắng né tránh nói đến tương lai của số khoản vay bất động sản trị giá gần 2.000 tỷ USD, trong đó phần không nhỏ đã biến thành nợ xấu. Mới đây, BoA thông báo sẽ sa thải 30.000 nhân viên.

 

6. Gap

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Glenn Murphy (4 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 13%

EPS quý gần nhất: giảm 3% còn 0,35 USD

Sự kiện chính: tuyên bố đóng cửa 21% số cửa hiệu

 

Tháng 11 là tháng tiếp theo trong chuỗi thời gian liên tục chứng kiến sự đuối sức về doanh số của Gap. Trong tháng 10, Gap buộc phải đóng cửa 200 cửa hiệu tại Bắc Mỹ. Lãnh đạo của Gap chưa thể tìm ra được một công thức để ngăn khách hàng chuyển sang dùng sản phẩm của hãng đối thủ như J. Crew, Abercrombie & Fitch hay American Eagle Outfitters.

 

7. Hewlett-Packard (HP)

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Meg Whitman (chưa đầy 1 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 22%

EPS quý gần nhất: tăng 7% lên 0,12 USD

Sự kiện chính: thay CEO

 

HP được nhiều người nhìn nhận là doanh nghiệp Mỹ lớn nhất có một Hội đồng quản trị tồi. Hai năm qua, hội đồng này liên tục sa thải rồi thuê mới CEO mà không cần suy nghĩ nhiều. Sau một loạt những động thái khiến giới đầu tư “toát mồ hôi” của HP, kết quả kinh doanh của hãng xấu đi. Kể từ sau sự ra đi của CEO Mark Hurd, Hội đồng quản trị của HP chưa thể đưa ra nổi một kế hoạch chiến lược hay một đội ngũ điều hành đủ năng lực.

 

8. Groupon

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Andrew Mason (3 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: (Groupon mới IPO hôm 11/3) giảm 3%

Sự kiện chính: giá cổ phiếu giảm 40% ngay sau khi IPO

 

Trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Groupon đã bị giới đầu tư hoài nghi. Công ty này đến nay chưa từng đạt lợi nhuận. Năm ngoái, họ lỗ 390 triệu USD trên doanh thu 313 triệu USD. Từ quý 1 đến quý 3 năm nay, công ty lỗ thêm 308 triệu USD trên doanh thu 1 tỷ USD. Trước đó, Groupon đã sử dụng các phương pháp kế toán “phi truyền thống” nhằm tô hồng tình hình tài chính. Ngoài ra, ban điều hành của Groupon cũng chưa thể lý giải nổi công ty sẽ làm thế nào để đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ như Living Social.

 

9. Netflix

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Reed Hastings (14 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 60%

EPS quý gần nhất: tăng 66% lên 1,16 USD

Sự kiện chính: tăng giá dịch vụ và bị khách hàng tẩy chay

 

Tháng 7 vừa qua, hãng cho thuê phim trực tuyến này tăng giá dịch vụ 60%. Bị khách hàng phản đối, Netflix ứng phó bằng cách tách đôi hai mảng video trực tuyến và cho thuê đĩa DVD, rồi lại hợp nhất một vài ngày sau đó. Tuy nhiên, chỉ vì hành động này mà Netflix mất 800.000 khách hàng. Mới đây, hãng tuyên bố sẽ thua lỗ trong năm 2012. Đầu năm nay, lãnh đạo Netflix vẫn tin là sẽ đạt lợi nhuận trong năm tới, vì không lường trước được mức tăng trưởng chi phí mua nội dung chương trình. Họ cũng không lường được việc tăng phí dịch vụ 60% là một cách “đuổi khéo” khách hàng.
 
Phương Anh
Theo 24/7 Wall Street