1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Điểm mặt những công ty Mỹ tốt và dở nhất năm 2011 (kỳ 1)

(Dân trí) - Với tài chèo lái của lãnh đạo, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã vượt qua các thách thức trong năm 2011 để giành kết quả kinh doanh khả quan. Đối nghịch lại là hàng loạt công ty với báo cáo tài chính u ám, mà lý do chính nằm ở năng lực điều hành yếu kém.

Trang 24/7 vừa hoàn tất một danh sách những công ty Mỹ được đánh giá cao nhất và thấp nhất trên phương diện điều hành trong năm nay. Các yếu tố được căn cứ để đánh giá bao gồm, biến động giá cổ phiếu, thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS), thị phần, kết quả kinh doanh, mức độ thành công của sản phẩm-dịch vụ mới, thay đổi trong đội ngũ điều hành…

 

Các doanh nghiệp được xếp hạng đều nằm trong chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ.

 

Dưới đây là 10 doanh nghiệp được điều hành tốt nhất, theo 24/7 Wall Street:

 

1. Apple

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Tim Cook (dưới 1 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 20%

EPS quý gần nhất: tăng 52% lên 7,05 USD

Sự kiện chính: iPhone 4S lên kệ, Steve Jobs từ trần

 

Năm 2011 là năm đáng nhớ đối với Apple, không phải chỉ vì đây là năm mà huyền thoại công nghệ Steve Jobs giã từ thế giới. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 9 vừa qua, doanh thu của Apple tăng lên 108 tỷ USD từ mức 65 tỷ USD trong năm trước đó. Lợi nhuận ròng tăng lên 26 tỷ USD từ 14 tỷ USD. Ngay trong tuần đầu tiên chạm ngõ thị trường, iPhone 4S đã đạt mức doanh số kỷ lục 4 triệu chiếc. Năm 2011 cũng là năm Apple trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất ở Mỹ, với mức vốn hóa 361 tỷ USD, vượt qua hãng dầu lửa Exxon Mobil.

 

2. Amazon.com

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Jeff Bezos (17 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 8%

EPS quý gần nhất: giảm 73% còn 0,14 USD

Sự kiện chính: ra mắt máy tính bảng Kindle Fire

 

Chưa đầy 2 năm sau khi tung ra sách điện tử Kindle, Amazon.com tiếp tục giới thiệu với thị trường chiếc máy tính bảng Kindle Fire. Đây được xem là chiếc máy tính bảng duy nhất có khả năng cạnh tranh với iPad về doanh số. Amazon cho biết, doanh số các sản phẩm Kindle trong ngày Thứ Sáu đen năm nay tăng gấp 4 lần so với năm ngoái. Doanh thu quý 3 của Amazon tăng 44% lên 10,9 tỷ USD.

 

3. CBS

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Leslie Moonves (8 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 37%

EPS quý gần nhất: tăng 164% lên 0,58 USD

Sự kiện chính: ký thỏa thuận cung cấp nội dung cho Amazon

 

Mức tăng giá cổ phiếu cũng như kết quả kinh doanh của CBS tiếp tục vượt xa các hãng truyền thông lớn khác. Nhờ lượng khán giả khổng lồ của CBS trong các khung giờ vàng, các khách hàng quảng cáo luôn muốn sử dụng dịch vụ của kênh này. Một bước tiến quan trọng của CBS trong năm nay là đài này đã bắt đầu cung cấp nội dung trên cáp theo thỏa thuận với Amazon.com và Hulu.

 

4. Yum! Brands

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): David Novak (11 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 18%

EPS quý gần nhất: tăng 8% lên 0,8 USD

Sự kiện chính: mua lại chuỗi nhà hàng Little Sheep Food của Trung Quốc

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, tương lai của ngành công nghiệp đồ ăn nhanh nằm ở Trung Quốc. Yum! Brands đang tiến sâu hơn vào Trung Quốc - thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất của hãng - bằng việc thâu tóm chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Little Sheep Food và dự kiến mở thêm 600 nhà hàng mới ở nước này trong quý 4 năm nay. Tính chung, các thương hiệu của Yum! gồm Pizza Hut, KFC và Taco Bell có 36.000 cửa hiệu trên toàn cầu, ngang ngửa với toàn bộ hệ thống của đối thủ McDonald’s.

 

5. Microsoft

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Steve Ballmer (11 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 8%

EPS quý gần nhất: tăng 10% lên 0,68 USD

Sự kiện chính: mua lại công ty dịch vụ VoIP Skype

 

Năm 2011, Microsoft bắt đầu có sự đột phá trong việc giảm phụ thuộc vào hệ điều hành Windows. Trong đó, phải kể tới việc hãng thâu tóm nhà cung cấp dịch vụ VoIP toàn cầu Skype với 663 triệu người sử dụng và ký thỏa thuận cung cấp hệ điều hành Windows cho hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới Nokia. Microsoft được đánh giá là đang có những bước đi liều lĩnh nhưng khôn ngoan, và hãng có đủ tiền để hỗ trợ cho những bước đi này. Cách đây ít hôm, Microsoft tuyên bố sẽ giới thiệu hệ điều hành thế hệ mới Windows 8 vào nửa sau của năm 2012.

 

6. Oracle

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Larry Ellison (34 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 0,5%

EPS quý gần nhất: tăng 33% lên 0,36 USD

Sự kiện chính: mua lại công ty dịch vụ điện toán đám mây RightNow

 

Oracle đang giữ vững ngôi vị thống trị ngành công nghiệp phần mềm phục vụ doanh nghiệp toàn cầu, cho dù IBM, HP và Microsoft là những đối thủ mạnh. Hãng này hiện chiếm 50% thị trường cơ sở dữ liệu của thế giới và đây được xem là cơ sở chắc chắn cho việc cung cấp máy chủ và các dịch vụ tư vấn. Mới đây, Oracle đã mua lại công ty dịch vụ điện toán đám mây RightNow, sau khi mua lại hai công ty khác là ATG và Fatwire. Công ty này được đánh giá là một trong số rất ít những doanh nghiệp lớn của Mỹ có thể mua lại thành công những thứ mà họ không thể gây dựng trong một sớm một chiều.

 

7. Starbucks

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Howard Schultz (3 năm, đây là nhiệm CEO thứ hai của Schultz tại Starbucks)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 36%

EPS quý gần nhất: tăng 33% lên 0,36 USD

Sự kiện chính: mở cửa hiệu thứ 500 tại Trung Quốc

 

Khi Howard Schultz - nhà sáng lập Starbucks - trở lại ghế CEO của hãng cách đây 3 năm, công ty này đang trong tình trạng khủng hoảng. Để đưa công ty vượt khó, Schultz đã thu hẹp hoạt động của Starbucks và sau đó bắt tay vào cải thiện hình ảnh doanh nghiệp. Một trong những bước đi quyết đoán của CEO này là tung ra dòng sản phẩm cà phê uống liền Via. Mới đây, Starbucks thâu tóm hãng Evolution Fresh với mục đích tiến vào thị trường nước ép trái cây tươi.

 

8. Whole Foods

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): John Mackey (21 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 35%

EPS quý gần nhất: tăng 32% lên 0,5 USD

Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 12 %

Sự kiện chính: công bố mục tiêu có 1.000 cửa hiệu

 

Whole Foods là một hãng bán lẻ thực phẩm hữu cơ, chỉ có vỏn vẹn 316 cửa hiệu tại Mỹ. Lãnh đạo hãng gần đây quyết định mạnh tay mở rộng hoạt động khi tuyên bố sẽ tăng số cửa hiệu tại Mỹ lên 1.000 trong vòng vài năm tới. Ngoài ra, Whole Foods còn có dự định tiến vào thị trường Canada và Anh quốc. Phố Wall hoan nghênh các kế hoạch trên bởi Whole Foods không hề có nợ nần, và doanh thu thị trường thực phẩm hữu cơ đang có xu hướng tăng nhanh.

 

9. Walt Disney

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Robert Iger (6 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 2%

EPS quý gần nhất: tăng 15% lên 0,77 USD

Sự kiện chính: Kênh ESPN của Walt Disney cung cấp dịch vụ cho 100 triệu hộ gia đình

 

Một đội ngũ điều hành giỏi là tiền đề quan trọng để Walt Disney đạt kết quả kinh doanh tốt. Hãng này luôn tập trung vào việc cải thiện hiệu quả của những mảng kinh doanh mà hãng đã biết rõ. Công ty nghiên cứu thương hiệu Interbrand xem Disney là thương hiệu có giá trị lớn thứ 9 trên thế giới, định giá ở mức 29 tỷ USD, chỉ kém chút ít so với thương hiệu Apple.

 

10. Home Depot

 

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Frank Blake (4 năm)

Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 16%

EPS quý gần nhất: tăng 18% lên 0,6 USD

Sự kiện chính: doanh thu quý 3 tăng 3,8%

 

Công ty bán lẻ thiết bị gia dụng Home Depot đạt tăng trưởng doanh số ngay giữa lúc thị trường nhà đất Mỹ tiếp tục đi xuống. Thành công của Home Depot có được một phần nhờ những chương trình mới của hãng nhằm tăng cường kết nối với khách hàng thông qua các ấn phẩm hướng dẫn sử dụng sản phẩm và diễn đàn trực tuyến. Bởi thế, Home Depot hiện không chỉ là một nhà bán lẻ nữa, mà còn giống như một “chuyên gia” tư vấn về nhà cửa.
 
Phương Anh
Theo 24/7 Wall Street