1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dịch vụ giao nhận thức ăn “bành trướng” thị trường: Mạo hiểm hay khôn ngoan?

(Dân trí) - Sau khi chính thức triển khai vào tháng 6/2018 tại TP.HCM, chỉ trong vòng 7 tháng, GrabFood đã “đổ bộ” liên tiếp đến 12 tỉnh thành khác ở Việt Nam. Grab đang có tính toán gì đằng sau quyết định mở rộng đầy mạo hiểm này?

Nước cờ táo bạo

Trước tiên, cần khẳng định đặt món trực tuyến tại Việt Nam là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn nhưng cũng không phải là “miếng bánh dễ xơi”. Bên cạnh những cái tên đã có được chỗ đứng vững chắc như Foody/Now.vn, Vietnammm,... người dùng cũng chứng kiến các thương hiệu gục ngã dưới sức ép khổng lồ như cú bán mình của Foodpanda hay quyết định dừng tham chiến của Lala.

Dù xuất hiện khá muộn so với các đối thủ, GrabFood đã chứng minh được thực lực của mình với những cột mốc đáng nhớ trên hành trình mở rộng thị trường trong nước. Sau thành công ấn tượng tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, ông lớn này tiếp tục đổ bộ cùng lúc 12 tỉnh thành mới, nâng tổng số thị trường mà GrabFood đã triển khai dịch vụ lên con số 15 và trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Trước đó, trong suy nghĩ của nhiều người, việc mở rộng và đáp ứng dịch vụ tại cùng lúc 15 tỉnh thành là điều nằm ngoài khả năng của một dịch vụ non trẻ chỉ mới chính thức ra mắt được 7 tháng. Chưa một “cựu binh” nào khác với tuổi đời và kinh nghiệm dày dặn hơn có thể làm được điều tương tự. Thế nhưng, màn thể hiện thành công của GrabFood đã cho thấy đây không hề là nước cờ vội vã. Với nền tảng là lực lượng đối tác tài xế đông đảo lên đến 175,000 người, GrabFood có riêng cho mình điểm tựa vững chắc để “đi nhanh” mà không ngại “vấp váp”.

GR.jpg

Lực lượng tài xế lớn là điểm tựa vững chắc giúp GrabFood hiện thực hóa tham vọng chiếm lĩnh thị trường

 

Một lý do khác cũng làm dấy lên những nghi ngại về nước cờ mở rộng số lượng tỉnh thành của GrabFood chính là sự phân tán nguồn lực cạnh tranh, nhất là khi cuộc chạy đua về chất lượng dịch vụ vẫn chưa đến hồi kết. Tuy nhiên, với trường hợp của GrabFood thì việc hiện thực hóa tham vọng bành trướng quy mô là hoàn toàn có cơ sở. Bởi một khi đã dẫn đầu về tốc độ giao hàng theo như nhận định của 80% người dùng về GrabFood (nghiên cứu của GCOMM), thì việc triển khai những chiến lược mới với mục đích đạt tới thành công toàn diện sẽ càng củng cố ngôi vị dẫn đầu thị trường, giữ vững vị thế khó lòng suy suyển của thương hiệu này.

Xét về địa bàn hoạt động, thị trường trung tâm luôn được xem là phần vô cùng "béo bở" của miếng bánh giao nhận thức ăn tại Việt Nam. Liệu với bước đi mới, GrabFood có đang bỏ qua phần ngon nhất của “chiếc bánh” và nhường lại cho đối thủ? Có thể thấy, khi diễn biến cạnh tranh tại những thị trường trung tâm lớn đang diễn ra ngày một gay gắt thì việc “đánh úp” các tỉnh thành đầy tiềm năng khác sẽ giúp GrabFood nhanh chóng chiếm thế thượng phong, “hớt váng” thị trường trước khi các dịch vụ khác kịp tung ra động thái đáp trả.

Đánh dấu vị thế mới

Chiến lược mở rộng ra 12 tỉnh thành mới của GrabFood có thể giúp họ chiếm thế thượng phong ở những cuộc đua tiếp theo. Với tổng cộng 15 tỉnh thành, GrabFood trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất Việt Nam.

Với việc mở rộng quy mô của GrabFood, các đối tác tài xế sẽ có thêm thu nhập từ việc giao nhận đồ ăn, và không loại trừ khả năng Grab sẽ tiếp tục mở thêm dịch vụ giao hàng GrabExpress trong tương lai. Theo Grab, thu nhập của các đối tác tài xế GrabBike tăng lên tới 20% nhờ các dịch vụ mới.

Bên cạnh đó, những nhà hàng, quán ăn cũng sẽ có thêm rất nhiều khách hàng khi thói quen gọi đồ ăn của người dùng được hình thành. Lúc này, việc kinh doanh không còn phụ thuộc nhiều vào địa điểm, thời tiết như trước kia. Ngoài ra, GrabFood còn hỗ trợ nhà hàng các chiến dịch marketing phù hợp, tạo nên hệ sinh thái “các bên cùng có lợi”.

soi-dong-ngay-hoi-tai-xe-cong-nghe-grab-1.jpg

Sự phát triển của GrabFood mở ra nhiều cơ hội cho các đối tác tài xế và nhà hàng quán ăn thông qua hệ sinh thái “cùng có lợi”

 

Nếu nhìn vào quy mô phát triển từ các nước trong khu vực, có thể thấy tầm nhìn của Grab đối với GrabFood không dừng lại ở một dịch giao nhận đồ ăn. Cái đích mà Grab hướng tới là một “siêu ứng dụng”, xuất hiện ở mọi mặt trong cuộc sống. Như ông Phạm Đình Thưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương nhận định “Với lợi thế về lực lượng đông đảo hơn 175,000 tài xế, Grab hoàn toàn có thể lấn sân sang các lĩnh vực “bên cạnh”.

Để làm được điều đó, trước hết những dịch vụ của Grab cần trở nên thân thuộc. Việc mở rộng thị trường ra thêm 12 tỉnh thành là một quyết định mạo hiểm, nhưng có thể nhận ra những tính toán đường dài của một “ông lớn” Grab. “Nhìn tổng thể, những nhà lãnh đạo của Grab đang đi những bước đi đúng đắn. Mở rộng ra lĩnh vực thanh toán và giao đồ ăn là lựa chọn thông minh, lâu dài”, ông Nitin Pangarkar, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

 Thanh Uyên