Dịch Covid-19 lan tràn: Quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Hoàng Dung

(Dân trí) - Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, dịch Covid-19 bùng phát là điều kiện để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn "Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay (26/8), ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: Thế giới đang đi vào giai đoạn "không thể không dùng thanh toán không dùng tiền mặt" khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp.

Nhìn nhận từ góc độ chuyên môn, ông cho rằng, chưa bao giờ thế giới lại rơi vào tình cảnh khó khăn, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người như hiện nay.

"Nhưng tôi vẫn tin rằng, càng lúc khó khăn thì cái khó mới ló cái khôn. Và đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam nhìn nhận lại để chuyển đổi, thích nghi và phát triển trong thời đại mới. Đặc biệt là câu chuyện thay đổi thói quen của người dân từ việc dùng quá nhiều tiền mặt sang không dùng tiền mặt"- ông nói.

Tuy nhiên, theo ông, việc chuyển đổi hay phát triển không dễ, thế nên, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, việc cần làm đầu tiên là rút ngắn thời gian cho các chương trình thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp theo là phải đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng, giáo dục quần chúng.

Dịch Covid-19 lan tràn: Quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - 1

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tương lai

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hải Bình thuộc Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, muốn thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt phải tối ưu hóa chi phí và hiệu quả của các ngân hàng thương mại tham gia kết nối, thanh toán dịch vụ công. Đồng thời phải xử lý triệt để các bất cập về hóa đơn điện tử, chữ ký số trong giao dịch.

Trước vấn đề này, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thừa nhận, còn nhiều tồn tại, thách thức trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Việt Nam.

Cụ thể là cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.

Hơn nữa là sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.

Dịch Covid-19 lan tràn: Quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt - 2

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước

Cùng với đó là thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán chi tiền mặt, thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện toán, thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Ngoài ra, những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành. Ví dụ như một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật. Hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam... còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.