Người Việt ít quan tâm tới bảo hiểm: Ngại đề cập tới rủi ro và chết?

(Dân trí) - “Tôi thấy rằng, tại Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ dường như chưa được nhiều người quan tâm và chết, rủi ro là điều họ không muốn đề cập đến. Nhận thức này cần thay đổi, bởi đây là sản phẩm để bảo vệ con người và các công ty bảo hiểm cần có hướng tiếp cận khác".

Ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV Metlife chia sẻ khi đề cập tới mức độ phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Theo ông Gaurav Sharma, trong biểu đồ tăng trưởng từ trước tới nay và dự kiến đến năm 2022, phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD. Bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam có tỷ trọng 1,5% trong GDP. Nếu so sánh với các thị trường khác trong khu vực thì tỷ trọng lên tới 3,5%.

Vì vậy, trong những năm tới có nhiều cơ hội, khoảng không gian cho Việt Nam để phát triển từ 1,5-3,5%. Hiện chỉ 8% dân số Việt Nam mới có bảo hiểm nhân thọ, thấp hơn nhiều so với Singapore với 85%, Malaysia là 75% và Thái Lan là 80%.

Theo chuyên gia này, nếu nhìn vào tỷ trọng bảo hiểm nhân thọ trong GDP, cũng như tỷ lệ dân số có bảo hiểm, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển”, nhưng tỷ lệ người dân mua bảo hiểm thấp cũng cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về bảo hiểm.

“Tôi thấy rằng, tại Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ dường như chưa được nhiều người quan tâm và chết, rủi ro là điều họ không muốn đề cập đến. Nhận thức này cần thay đổi, bởi đây là sản phẩm để bảo vệ con người và các công ty bảo hiểm cần có hướng tiếp cận khác", ông Gaurav Sharma nói.

Người Việt ít quan tâm tới bảo hiểm: Ngại đề cập tới rủi ro và chết? - 1

Hiện chỉ 8% dân số Việt Nam mới có bảo hiểm nhân thọ, thấp hơn nhiều so với Singapore với 85%, Malaysia là 75% và Thái Lan là 80% (ảnh minh họa).

Chia sẻ tại cuộc Hội thảo “Dịch vụ Tài chính - Ngân hàng: Cơ hội và thách thức”, ông Ravi Prabhakar đến từ Tập đoàn FairFax (tập đoàn có trụ sở tại Canada với tổng thu phí bảo hiểm tới 16,3 tỷ USD, đồng thời là đối tác chiến lược đang sở hữu 35% vốn của công ty bảo hiểm BIC) cho hay: Châu Á là thị trường tăng trưởng ấn tượng với GDP thực cao hơn nhiều lần so với các nền kinh tế phát triển. Trong khi các thị trường phát triển chỉ đạt tốc độ tăng trưởng từ hơn 1% cho đến dưới 3%, thậm chí có nơi tăng trưởng âm, thì nhiều thị trường châu Á đạt từ 5% đến 9% trong đó có Việt Nam.

Các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung cũng hút được dòng vốn dồi dào. Riêng Việt Nam có dân số vàng, có điều kiện tốt để tăng năng suất và hiệu quả lao động qua đó tăng trưởng kinh tế trong các năm tiếp theo. Xu hướng tăng trưởng của khu vực được dự báo tiếp tục duy trì trong các năm tới, với Việt Nam sẽ giữ mức tăng bình quân tới 6,5%.

Liên quan thị trường bảo hiểm, đại diện của FairFax cho biết, bảo hiểm phi nhân thọ ở châu Á đã tăng trưởng 12% mỗi năm trong các năm qua và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ cao cho đến năm 2025, trong đó năm 2019 và 2020 có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Động lực tăng trưởng của thị trường này sẽ bao gồm 4 trụ cột: doanh số bán xe hơi mới tăng nhanh; tăng trưởng xuất khẩu ổn định; tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng nhanh chóng; và cuối cùng là sự gia tăng trong đầu tư về cơ sở hạ tầng.

Phân tích sâu hơn về các động lực nói trên, theo ông Ravi, Châu Á là thị trường có nhiều nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng sẽ làm gia tăng nhu cầu mua sắm và dùng các dịch vụ của ngân hàng, trong đó có bảo hiểm. Hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, chi phí cho công nghệ số hóa hiện mới chỉ chiếm khoảng 3%...sẽ là cơ hội để hoạt động số hóa phát triển nhanh và bảo hiểm cũng gia nhập cùng xu hướng ấy để phát triển.

Đối với động lực "doanh số bán xe hơi mới" tăng nhanh, thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn bởi nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang phải kìm hãm đối với sản phẩm bảo hiểm dành cho xe cơ giới và không bán bảo hiểm bằng mọi giá như trước đây, song giải thích của đại diện FairFax lại cho thấy không hề có sự mâu thuẫn nào.

Cụ thể theo ông Ravi, hầu hết các sản phẩm xe cơ giới không mang lại lợi nhuận cho công ty bảo hiểm. Nhưng tại các nước phát triển, bảo hiểm xe cơ giới chiếm khoảng 15% trong tổng sản phẩm bảo hiểm và chắc chắn không ai có thể bỏ qua lĩnh vực này. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải cẩn trọng, nghiên cứu các đặc điểm, đặc tính sản phẩm cho bảo hiểm ô tô để bán cho đối tượng phù hợp.

Ông lấy ví dụ một bà mẹ có 2 con sẽ lái xe cẩn thận hơn so với thanh niên chưa có gia đình; Hay xe đắt tiền BMW người ta dùng cũng sẽ cẩn trọng hơn so với xe rẻ tiền, nên các công ty sẽ cân nhắc đối tượng sử dụng và giá trị phương tiện để đưa ra sản phẩm phù hợp.

Liên quan đến xe cơ giới, đại diện FairFax cũng cho biết, doanh nghiệp hiện nay không chỉ đơn thuần bán bảo hiểm xe cơ giới như trước đây mà còn bán chéo thêm chẳng hạn như bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm ốm đau... để công ty bảo hiểm vừa có thêm giá trị gia tăng mà khách hàng cũng sẽ có thêm lựa chọn, có sự bảo vệ tốt hơn khi không may có rủi ro xảy ra.

An Hạ