Đi tìm tỷ phú USD Việt Nam

Mới đây, doanh nhân Đào Hồng Tuyển đưa ra tuyên bố rằng ông đang có tổng tài sản lên tới 2 tỷ USD.

Đi tìm tỷ phú USD Việt Nam - 1
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển
 
Cho biết mình sở hữu 14 công ty, 34 nhà máy, ông "chúa đảo" Tuần Châu cũng cho biết bí quyết làm nên 2 tỷ USD của ông, đó là “không làm những cái mà thiên hạ đã làm”, và “làm những cái mà thiên hạ không làm hoặc những cái mà thiên hạ nghĩ đến, nhưng không làm được”.

Chưa rõ động cơ của việc công bố thông tin này, nhưng câu chuyện về tỷ phú USD của Việt Nam rõ ràng có quá nhiều điều để nói, nhất là vào thời điểm kỷ niệm 10 năm ban hành Luật Doanh nghiệp, văn bản mở đường cho sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân, những nền tảng ban đầu cho sự xuất hiện các tỷ phú thực sự.

Về mặt chính thức, thế giới coi danh sách của tạp chí Forbes (Mỹ) là tham khảo đáng kể nhất khi đánh giá độ giàu có của các cá nhân. Cũng có những xếp hạng khác, song về độ nổi tiếng và được thừa nhận rộng khắp thì Forbes vẫn đang dẫn đầu.

Vấn đề là, Forbes không đánh giá theo phát biểu cá nhân của bất kỳ ai, mà dựa vào một hệ thống tiêu chí cụ thể. Quan trọng nhất vẫn là lượng cổ phiếu mà các cá nhân nắm giữ tại các doanh nghiệp cũng như các tài sản được công khai và có đóng thuế.

Bảng xếp hạng của năm 2011 chưa được Forbes công bố, nên bảng xếp hạng 2010 có thể coi là một tham khảo đáng chú ý. Theo Forbes, số lượng tỷ phú trong năm 2010 là 1.011 người với tổng tài sản của nhóm là 3,6 nghìn tỷ USD.

Trong số này, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 234 tỷ phú tăng đáng kể so với con số 130 người của năm 2009, nhưng trong đó, tuyệt nhiên không có người Việt Nam nào.

Trong nỗ lực xây dựng bức tranh chung về người giàu Việt Nam, một số tờ báo trong nước gần đây đã tích cực khảo sát và công bố danh sách người giàu hàng năm, dựa trên lượng cổ phiếu. Năm 2010, tổng cộng đã có 13 người có lượng tài sản trên 1.000 tỷ đồng; trong đó, hai ông Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức sở hữu trên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông tài sản của ông Vượng (15.776 tỷ đồng) và ông Đức (11.879 tỷ đồng) về mặt chính thức chưa đạt đến con số 1 tỷ USD, mà theo tỷ giá hiện tại lên tới khoảng 21 ngàn tỷ đồng.

Nhưng nếu đặt câu hỏi liệu Việt Nam đã có tỷ phú USD hay chưa, câu trả lời không chính thức của các doanh nhân lại là “có”. Vì nhiều lý do khác nhau, có nhiều tỷ phú vẫn đang giấu mặt với tài sản rất lớn đang “ẩn mình” trong bất động sản.

Năm 2003, trong một báo cáo của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rằng kinh tế ngầm đang chiếm tới 50% GDP của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế ngầm chi phối và việc kê khai tài sản vẫn chỉ là hình thức, việc có những người có tài sản tỷ USD nhưng chưa xuất hiện cũng là bình thường.\

“Forbes ơi, mở ra…”

Phát biểu của ông Tuyển đáng được coi là một sự dũng cảm trong bối cảnh thông tin về tài sản cá nhân vẫn còn “tù mù” như hiện nay. Dũng cảm là bởi, trong khi hầu hết các doanh nhân kín tiếng với tài sản của mình, ông Tuyển cho thấy sự tự tin và tự hào về thành quả kinh doanh của mình, điều mà chúng ta mới chỉ được thấy ở các tỷ phú của thế giới.

Cho dù, ông có 2 tỷ USD hay không và bao giờ thì Forbes công nhận điều này là một câu hỏi khó trả lời. Nhưng sẽ tự hào thật nhiều, nếu tên tuổi của các doanh nhân Việt Nam sớm xuất hiện trên danh sách của Forbes như là minh chứng cho một nền kinh tế Việt Nam đang lớn mạnh.

Mỹ đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đồng thời họ cũng có tới 403/1.011 tỷ phú của thế giới. Bên cạnh Việt Nam, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia cũng đều đã có đại diện trong danh sách của Forbes.

Ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc xây dựng hệ thống chính sách để tạo điều kiện cho việc hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam, qua đó có thể xuất hiện các tỷ phú.

Tháng 10/2009, trong thông điệp của mình gửi cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát triển một “lực lượng doanh nghiệp dân tộc”. Một nền kinh tế liệu có thể phát triển được hay không, nếu như không có những “lá cờ đầu” là các doanh nghiệp lớn mạnh, được điều hành bởi các doanh nhân giàu có?

Vài năm qua, nhiều doanh nhân Việt Nam khi vào top ten người giàu trên thị trường chứng khoán đã phải tắt điện thoại sau khi các báo công bố danh sách, hoặc im lặng trước các câu hỏi của báo giới.

Sẽ tốt hơn nếu môi trường kinh doanh minh bạch hơn nữa để các thành quả kinh doanh của các doanh nhân được xã hội ghi nhận là tài năng thực sự của họ, để một ngày nào đó đàng hoàng bước vào danh sách của Forbes và nói: “Xin chào, tôi là một tỷ phú và tôi đến từ Việt Nam…”.

Theo Anh Minh
VnEconomy