Đi siêu thị điện máy: Bi hài mặc cả như ở chợ

Được khuyến mại, giảm giá, chào mời mua hàng với giá rẻ nhưng nhiều khách hàng vẫn không lấy gì làm vui vẻ, thậm chí có trường hợp còn phát hoảng vì dễ dàng mặc cả giá tại một số siêu thị, trung tâm bán lẻ điện máy ở Hà Nội.

Ngã giá như... mua rau

 

Có nhu cầu mua chiếc máy ảnh Canon 1100D, anh Hoàng Bảo (ngụ tại quận Thanh Xuân) - công tác trong lĩnh vực thương mại điện tử - tìm đến một số siêu thị điện máy có tiếng gần nhà để tham khảo kỹ càng.

 

Cách đây dăm ngày, anh vào một trung tâm điện máy lớn trên đường Tây Sơn, gần cầu vượt Ngã Tư Sở, thấy chiếc máy ảnh đang tìm mua được niêm yết mức giá 12,790 triệu đồng. Nhân viên bán hàng đon đả giới thiệu chế độ khuyến mãi đi kèm khi mua như thẻ nhớ 4G, túi da, bảo hành 24 tháng...

 

Nắm được các chế độ này siêu thị nào cũng áp dụng như nhau nên vui miệng, anh Bảo hỏi: "Giá này đã chốt chưa em?". Cô nhân viên trả lời "Giá này niêm yết anh à".

 

Sau một lúc, thấy khách xem hàng có vẻ rất ưng ý và có nhu cầu mua thực, lại thêm nài nỉ của khách: "Nói thật, anh đang muốn mua máy này, anh cũng đã khảo sát một số điểm rồi. Nếu anh lấy, em xem có giảm thêm cho anh được không", cô nhân viên ngập ngừng một lát và nói: "Anh chờ em hỏi ý kiến quản lý nhé".

 

Sau một cuộc điện thoại, dường như đã "OK" với phương án giảm giá, cô nhân viên xởi lởi: "Em giảm cho anh đúng 300.000 đồng" và không quên nói lại cho rõ: "Chả giấu gì anh, đợt này hàng hóa bán chậm nên kinh doanh bên em "linh động" điều chỉnh cho khách đấy".

 

Đi siêu thị điện máy: Bi hài mặc cả như ở chợ
Ế ẩm, các siêu thị điện máy tìm mọi chiêu bán hàng (ảnh minh họa)

 

Anh Bảo không tin vào tai mình bởi dù sành sỏi nhưng đây là lần đầu tiên anh ngã được giá tại một trung tâm mua sắm hiện đại. Tự lý giải rằng bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh giảm giá cho người thực mua cũng không làm anh thỏa lòng bởi dù giá đã giảm 300.000 đồng nhưng vẫn còn cao hơn so với một số trung tâm khác.

 

Quá trình tìm mua máy ảnh của anh Bảo vẫn còn nhiều câu chuyện lạ thường. Đơn cử một tuần trước, đến một trung tâm điện máy khác trên đường Trần Phú, Hà Đông, cũng sản phẩm này, giá niêm yết là 12,490 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện trên website của trung tâm, giá bán đã vọt lên đến 13,390 triệu đồng. Trong đó, nhà bán lẻ tuyên bố, sẽ giảm tối đa 1 triệu đồng khi khách hàng sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ ATM Vietinbank.

 

"Sản phẩm này trên thị trường không thuộc diện khan hiếm khiến đội giá, thậm chí hàng điện tử càng về sau càng giảm giá. Việc họ nâng giá lên 1 triệu rồi lại áp dụng khuyến mại cho một số đối tượng, thì vô hình chung, giá chẳng thay đổi. Khuyến mãi cũng là... lừa" - anh Bảo bức xúc.

 

Giá vu vơ?

 

Mới đây, một trung tâm điện máy lớn mở thêm chi nhánh tại thị trường phía Nam cũng gặp phải một số bất bình của người tiêu dùng về việc khuyến mại "bất nhất" của mình. Theo đó, tại chương trình Giảm giá cực sốt, khách hàng mua bộ nồi Inox EL067C có giá 350.000 đồng sẽ được giảm giá thêm 150.000 đồng. Như vậy, thực tế khách hàng sẽ chỉ phải móc hầu bao 200.000 đồng.

 

Tuy nhiên, một số khách hàng phản ánh tình trạng hóa đơn mua mặt hàng này lại được kênh lên ở mức 490.000 đồng. Khổ nhất là khách hàng ở xa ham rẻ đã phải quay đổi lại những sản phẩm kém chất lượng sau khi mang về đến nhà.

 

Trường hợp khuyến mại kiểu "nâng giá lên rồi hạ xuống", khuyến mại hàng lỗi, hỏng, hay "hành" khách như giờ vàng giảm giá với hàng loạt điều kiện ngặt nghèo, diễn ra lúc nửa đêm gà gáy... đã không còn là mới trên thị trường điện máy nói riêng. Song bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh nhất trong mười mấy năm trở lại đây, thì tình trạng này càng khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin.

 

Ở một góc độ khác, điều này cũng chứng tỏ tình trạng phá sản, đóng cửa do cạnh tranh giành giật khách hàng ngày càng gay gắt giữa trung tâm bán lẻ điện tử điện máy chưa làm cho thái độ, dịch vụ, cam kết của nhà bán lẻ được tốt hơn, minh bạch và uy tín hơn lên.

 

"Vấn đề mua bán mặc cả có thể có lợi với khách hàng nhưng cũng có nhiều quan ngại, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và mập mờ. Giá niêm yết tại các siêu thị, trung tâm thương mại liệu có đáng tin cậy không khi gần như mỗi nơi đưa ra một mức chênh lệch nhau. Nhà kinh doanh cứ nói trong cạnh tranh minh bạch giá nhưng có vẻ như mức giá niêm yết cũng là một mức tự do, vu vơ và có thể du di. Nhân danh việc niêm yết giá để thể hiện sự nghiêm túc nhưng thực ra không phải vậy" - một người tiêu dùng phát biểu.

 

Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm - chuyên gia tư vấn chiến lược phát triển doanh nghiệp và thương hiệu, cho rằng, đại bộ phận doanh nghiệp trong nước chủ yếu bị ám ảnh và rất sốt ruột làm sao bán được nhiều hàng, để tránh tồn đọng, quay vòng vốn nhanh, nhưng quên mất rằng việc bán được hàng lại là hệ quả của việc mình mang đến cho người tiêu dùng những cảm nhận, những hình ảnh và giá trị mà họ trông đợi khi đến và mua hàng của mình.

 

Vị chuyên gia này chia sẻ, thấu hiểu người tiêu dùng là nghiên cứu và hiểu về hành vi tiêu dùng, thói quen, văn hóa tiêu dùng, từ đó tạo ra những xu thế tiêu dùng. Hành vi tiêu dùng thực chất là doanh nghiệp mượn sản phẩm, dịch vụ mà mình đang sở hữu để nói về bản thân. Doanh nghiệp phải tạo cho người tiêu dùng niềm hãnh diện khi sử dụng sản phẩm của mình.

 

Trên thực tế, một sản phẩm dù có chất lượng tốt nhưng người mua cảm nhận chất lượng dịch vụ đi kèm lại kém và không xứng đáng thì sản phẩm đó cũng không được người tiêu dùng đánh giá cao và lựa chọn tối ưu. Quan hệ mua - bán thực chất có nội hàm khái niệm là mối quan hệ giữa người với người. Bán hàng là kết nối quan hệ giao dịch, tạo ra sự truyền khẩu. Đó là khâu quảng bá hữu hiệu nhất để người khác nói về mình mà lại tiết kiệm chi phí. Bởi cái đọng lại cuối cùng là chất lượng cảm nhận chứ không phải là chất lượng công bố.

 

Theo Thành Dũng

VEF