Đà Nẵng:
Di dời cảng cá và nỗi lòng lao động nghèo!
(Dân trí) - Theo kế hoạch thì ngày 30/6 vừa qua, cảng cá Thuận Phước đã phải dời sang âu thuyền Thọ Quang để bàn giao mặt bằng cho dự án đường Bạch Đằng nối dài. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đang rất lúng túng với việc di dời.
Đi thì cũng dở, ở không xong
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 2km, cảng cá Thuận Phước là địa điểm giao dịch, buôn bán thuỷ hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề biển phục vụ cho hơn 3.000 tàu thuyền với nghìn lao động địa phương.
Trong quá trình đô thị hóa thì cảng cá phải di dời, đó là điều tất yếu, cần thiết. Chủ trương trên đưa ra hoàn toàn phù hợp và được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, dự án lại không diễn ra đúng như kế hoạch.
Đầu tháng 6 trả lời trên một số phương tiện thông tin đại chúng, Giám đốc công ty TNHH Thái An (đơn vị thi công cảng cá mới) khẳng định: “Công trình đã hoàn thành 80% tiến độ”, tuy nhiên đến giờ này theo quan sát của chúng tôi, cái 80% đó chỉ là một bãi cát trống với vài ba cọc bê tông đóng dang dở ở phía đông âu thuyền.
Do đó, để có bãi tập kết hải sản, Xí nghiệp (XN) Quản lý khai thác cảng cá Thuận Phước đã cho dựng một số nhà lồng tạm bợ. Cầu trú bão của âu thuyền sẽ là nơi tàu cá neo đậu nhận trả hàng. Chưa hết, để có chổ làm việc, XN cảng cá Thuận Phước đã phải “mượn” một số ngôi nhà của Ban Quản lý âu thuyền.
Hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, điện chiếu sáng, hàng rào bảo vệ, các cơ sở sơ chế, bảo quản hải sản, bến bãi và khu vực cho các hoạt động kinh doanh kèm theo... đang như một bãi “chiến trường”. Đó là chưa nói đến các cơ sở hậu cần nghề cá như cấp đá lạnh, dầu, lương thực thực phẩm, các dịch vụ về sửa chữa vẫn chưa có.
Chính vì cơ sở mới “chưa đâu vào đâu” nên mặc dù đã qua hạn di dời nhưng tất cả các doanh nghiệp, người lao động đang rất lúng túng, không biết nên đi hay ở. Bởi theo họ, khi nơi chuyển đến nơi chưa xây dựng xong thì để làm gì?
Được biết, trong quá trình di dời thành phố cũng có chính sách hỗ trợ, thế nhưng “khi di dời thiết bị của các kho lạnh, nhà máy sản xuất đá sẽ hư hỏng gần như hoàn toàn. Ra cơ sở mới lấy gì để tái sản xuất?” - bà Hường, một người làm tại cảng cá lâu năm bức xúc.
Trong khi “bến mới” chưa xây dựng xong, các hợp đồng đã ký kết vẫn đang còn giang dở nên nhiều cơ sở sản xuất đã tìm cách “nán” lại được ngày nào hay ngày đó để mong sao “vớt” lại các hợp đồng.
Lao động nghèo chưa được quan tâm?
Anh Nguyễn Văn Dũng, đội trưởng bảo vệ thuộc BQL cảng cá Thuận Phước cho biết lao động ở đây gồm 3 loại. Loại thứ nhất (khoảng 200 người) là các đầu nậu chuyên thu mua cá trọn gói từ các tầu khi vừa cập cảng và bán lại cho các hộ buôn bán nhỏ hoặc các doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản.
Thứ đến là những người buôn bán nhỏ, vốn liếng ít nên chỉ đi mua lại của những đầu nậu rồi mang vào các chợ trong thành phố bán kiếm lời. Lực lượng này đông nhất, có khi lên tới hàng nghìn người và chủ yếu làm ăn theo thời vụ.
Và loại thứ 3, đó là những người ngụ cư, sống bằng nghề khiêng thuê, vác mướn (đa số là ngư dân ở làng chài Thuận Phước). Với những người này, thu nhập của họ phụ thuộc vào sức khoẻ của chính mình và vận may của những ngư dân.
Theo văn số 3681/ĐBGT của UBND TP Đà Nẵng (ngày 19/6) về việc giải tỏa đền bù cho các tiểu thương, lao động đang làm việc tại cảng thì chỉ có những bậc “đại gia” mới được hỗ trợ còn lại số đông lao động nghèo không được hỗ trợ bất cứ một đồng nào.
Công văn có đoạn: Tất cả các hộ kinh doanh tại cảng cá Thuận Phước (kể cả trường hợp có và không có giấy phép) được hỗ trợ 2 triệu đồng, riêng đối với các hộ có giấy phép kinh doanh, chuyển vào chợ mới sẽ được hỗ trợ ngừng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ 3 tháng thuế kinh doanh; còn đối với các hộ không có giấy phép kinh doanh, sẽ được hỗ trợ chi phí ngừng sản xuất kinh doanh 3 triệu đồng/hộ”...
Trao đổi với PV Dân trí, đa số các hộ kinh doanh đều không đồng ý với mức hỗ trợ trên bởi theo họ “Với mức hỗ trợ như thể không đủ tiền mua cá nuôi con chứ nói gì đến chuyện đầu tư sản xuất”.
Còn đối với những người khiêng thuê, vác mướn vốn đã nghèo, nay càng nghèo hơn vì chuyển đi chỗ làm mới họ gặp rất nhiều khó khăn. Anh Đ.M.D nghẹn ngào nói: “Tôi đã gần 10 năm gắn bó với cái cảng cá này, giờ cảng cá di dời đi nơi khác mà nghe nói chúng tôi lại không được hỗ trợ gì. Không biết làm gì bây giờ?”.
Một lãnh đạo của UBND phường Thuận Phước cũng không khỏi lo lắng: “Trong suốt những năm qua, cảng cá là nơi kiếm sống duy nhất của hơn 100 lao động nghèo, đa số họ là dân ngụ cư với hoàn cảnh rất nghèo. Rồi đây, họ sẽ làm gì để kiếm kế sinh nhai?”.
Minh San