1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đi ăn hàng, mua hàng hiện phải chịu VAT 10% thay vì 8%

Thảo Thu

(Dân trí) - Trong năm 2022, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã được giảm 2% VAT. Còn hiện giờ, các siêu thị, hàng ăn đã đồng loạt tăng VAT hóa đơn, hàng hóa bán ra lên 10%.

Tại Nghị quyết 43, Quốc hội đã thông qua chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%, tức còn 8%. Tuy nhiên, chính sách giảm VAT chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Tức từ ngày 1/1, các loại hàng hóa, dịch vụ trước đó được giảm VAT quay trở lại mức thuế suất cũ là 10%.

Theo ghi nhận của Dân trí, hàng loạt các hệ thống siêu thị, hàng ăn đã công bố tăng VAT từ 8% lên 10%. Người đi ăn hàng, mua hàng sẽ chịu VAT như trước đây, thay vì 8%.

Cụ thể, nếu cách đây vài ngày, khách hàng ăn tại một cửa hàng ăn với hóa đơn trị giá 1 triệu đồng, thì sẽ chịu 80.000 đồng VAT, nhưng hiện sẽ phải chịu 100.000 đồng.

Đi ăn hàng, mua hàng hiện phải chịu VAT 10% thay vì 8% - 1

Từ năm 2023, người đi ăn hàng, mua hàng phải chịu VAT 10% thay vì 8% (Ảnh: Hải Phương).

Một nhân viên tại Winmart Thăng Long (Hà Nội) cho biết cơ sở này đã đặt biển thông báo sẽ tăng mức thuế VAT từ 8% lên 10% bằng tiếng Việt và triển khai dán lại tem giá sản phẩm từ chiều ngày 31/12/2022.

"Một số khách hàng không nhìn thấy biển thông báo của siêu thị, việc ghi thông báo bằng tiếng Việt cũng khiến khách hàng người nước ngoài không hiểu… nên có trường hợp phàn nàn về mức tăng VAT. Nhưng sau khi giải thích, khách hàng nắm được tình hình", nhân viên này nói.

Tại điểm bán hàng ở Circle K, đường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), nhân viên thu ngân cho biết cửa hàng đã áp dụng mức VAT 10%. Khách hàng Mai Phương (Xuân Thủy, Cầu Giấy), cho biết: "Tôi thấy biển thông báo của siêu thị sẽ tăng thuế giá trị gia tăng từ 8% lên 10%. Tôi đã đọc báo cũng biết thông tin này từ hôm qua nên cũng không bỡ ngỡ".

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% thực hiện từ tháng 2 đến hết năm 2022 đã làm giảm giá bán của một số hàng hóa trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất. Sự hỗ trợ của Chính phủ được cho là "liều thuốc" kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh.

Việc giảm VAT sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, chính sách giảm VAT khiến ngân sách Nhà nước giảm thu của năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm