Đề xuất xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế với doanh nghiệp khó khăn
(Dân trí) - Chính phủ trình Quốc hội cho phép xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Chính phủ cũng đề nghị, xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10%, nhưng tối đa không quá 15 năm, đối với dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư.
Đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014. Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xóa tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí như: Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách, nhưng chưa được thanh toán, nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp; Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; Doanh nghiệp phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.
Cũng theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định khống chế đối với chi quảng cáo, khuyến mại. Khoản 5 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 quy định không tính vào chi phí được trừ đối với: Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ.
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phải cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường. Việc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo đã hạn chế doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô kinh doanh vừa và nhỏ trong việc phát triển thị trường; các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đều có kiến nghị xem xét bỏ tỷ lệ khống chế này.
Đồng thời, dự án Luật bổ sung quy định đối với phần thu nhập từ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chuyển về Việt Nam. Trong đó, đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp đầu tư chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam; đối với các nước có thuế suất bằng hoặc cao hơn thì không thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Và để minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách về thủ tục hành chính, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung heo hướng cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng và cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về thuế thu nhập doanh nghiệp, qua tính toán cho thấy dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 2.700 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân giảm thu khoảng 270 tỷ đồng; về xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013, dự kiến số tiền phạt chậm nộp được xử lý khoảng 4.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn và khắc phục những hạn chế của một số luật thuế và Luật quản lý thuế.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngay trong năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế này dự kiến mỗi năm giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế GTGT khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng là chưa phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội.
Về xóa tiền phạt chậm nộp thuế, đa số ý kiến trong Ủy ban không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị cần cân nhắc việc xóa tiền phạt chậm nộp tiền thuế như Tờ trình của Chính phủ. Bởi, bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và không công bằng đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Có ý kiến cho rằng, về thời điểm xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước thời điểm 1/7/2013 là quá rộng. Do đó, đề nghị cân nhắc, xem xét việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước năm 2008. Một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, hiện nay số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ nhưng chỉ nhất trí xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp.
Có ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vì việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nộp khoản nợ thuế gốc, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.