1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đề xuất “thể chế độc lập” cho Ngân hàng Trung ương

(Dân trí) - “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta xem xét cân nhắc đưa Ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập. Như vậy, tính kiểm soát, điều hành cũng phù hợp với nhiệm vụ Quốc hội quy định trong luật”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề xuất.

Trụ sở hiện tại của Ngân hàng Nhà nước.
Trụ sở hiện tại của Ngân hàng Nhà nước.

Tham luận tại phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 4/6, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nói: “Tôi nhớ kỳ họp Quốc hội Khóa XII, các đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ lấy tiền đâu mà kích cầu? Đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày 8 tỷ USD để kích cầu. Nhưng những vấn đề tranh luận này vẫn còn phức tạp và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta xem xét cân nhắc đưa Ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập”.

Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Tiên, khi đưa Ngân hàng Trung ương thành một thể chế độc lập, tính kiểm soát và điều hành của Ngân hàng Trung ương cũng phù hợp với nhiệm vụ của Quốc hội quy định trong luật. Và Hiến pháp cũng quy định: “Quốc hội quyết định các chính sách tài chính tiền tệ”.

Vị đại biểu này nhấn mạnh thêm: Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001, lần đầu tiên chúng ta đưa các khái niệm phân công và phối hợp thực hiện ba quyền là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng lúc đó chúng ta cũng chỉ đưa ra những khái niệm cơ bản và cơ chế kiểm soát giữa ba quyền này chưa có. Theo lý giải của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp thì Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta cố gắng tìm ra cơ chế kiểm soát.

“Chúng tôi nghĩ rằng thể chế độc lập về thống kê, về ngân hàng chính là những ví dụ và những công cụ để chúng ta kiểm soát giữa các quyền này. Vì vậy, theo tôi chúng ta nên cân nhắc suy nghĩ đặt nó thành những cơ chế, những thể chế độc lập thống kê và ngân hàng. Điều này giúp cho đất nước chúng ta phát triển hơn, giúp cho sự phối hợp giữa thực hiện ba quyền này chặt chẽ, rõ ràng hơn”, đại biểu Tiên nói thêm.

Cùng với Ngân hàng Trung ương, đại biểu Tiên còn đề xuất đưa Tổng cục thống kê thành một cơ quan độc lập. Theo đại biểu này thì, mấy năm vừa qua, không đại biểu Quốc hội nào phàn nàn về những số liệu của kiểm toán. “Có nghĩa là kiểm toán độc lập thì sẽ rất có giá trị và mang tính khoa học, ai cũng tin tưởng”, đại biểu lý luận.

Đề xuất về việc tách cơ quan thống kê thành một cơ quan độc lập của đại biểu Tiên nhận được sự “đồng tình cao” của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội).

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) hoan nghênh sự tiếp thu của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp quy định những vấn đề cốt lõi của Kiểm toán Nhà nước trong Điều 122. Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị phải xem xét lại quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đối với tài chính và tài sản công. Bởi theo nguyên tắc, vốn tài sản của Nhà nước phải được một cơ quan độc lập kiểm tra khách quan từ bên ngoài đánh giá về tính tuân thủ pháp luật và hiệu quả đối với việc quản lý sử dụng nguồn lực đó.

“Hệ thống tài chính của nước ta và hệ thống tài chính nói chung gồm ba bộ phận: tài chính Nhà nước (còn gọi là tài chính công), tài chính doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước) và tài chính dân cư.

Nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đối với tài sản công, tức là kiểm toán đối với ngân sách Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước, các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tôi cho đó là chúng ta đã bỏ sót chỗ vốn tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Vì vậy tôi đề nghị chỗ này cần quy định nhiệm vụ kiểm toán phải kiểm toán mọi nguồn lực tài chính, tài sản của Nhà nước trong nền kinh tế”, đại biểu Thụ bày tỏ quan điểm.

Nguyễn Hiền