Đề xuất nghiêm cấm nhân viên bán bảo hiểm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức khi bàn về dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Đề xuất nghiêm cấm nhân viên bán bảo hiểm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng - 1

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi (Ảnh: QH).

Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Góp ý về dự thảo luật này, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) đề cập tới các hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 10.

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định bao gồm không có giấy phép thành lập và hoạt động không đúng phạm vi được cấp phép, không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin như tin nhắn, điện thoại.

"Việc nhắn tin điện thoại diễn ra thường xuyên, liên tục thực sự gây bức xúc cho người được nhắm đến", ông Sơn nói.

Vì vậy ông Sơn đề xuất có thể cân nhắc bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời tuân thủ các quy định về pháp luật và thông tin truyền thông.

Trong khi đó, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) góp ý liên quan tới nội dung về quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm tại Điều 18.

Dự thảo luật đặt ra vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia, đặc biệt là bên bán và bên mua nhưng theo đại biểu Cường, thực chất mới chỉ quan tâm quyền lợi của bên bán.

"Hợp đồng bảo hiểm mới nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên cung cấp bảo hiểm, cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng người thụ hưởng, người mua bảo hiểm thì chưa được chú trọng đúng mức", ông Cường nhận xét.

Trong thực tế theo ông Cường, một số loại hình bảo hiểm, tình trạng người mua chỉ được cung cấp hợp đồng in sẵn mà nội dung hầu như có lợi cho bên bán bảo hiểm để thực hiện việc ký và mua bảo hiểm.

Do đó đại biểu cho rằng cần quy định trong dự thảo luật đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua phải bình đẳng, minh bạch, công khai, quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Ông ví dụ tại Điều 16 dự thảo luật nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm của người bán nhưng không nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm của người mua. Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này để bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng.

Giải trình ý kiến đại biểu trước Quốc hội, ông  Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu, hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc.

Trong đó quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường...