Đề xuất kế hoạch vốn hơn 13.369 tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư

Hà Phong

(Dân trí) - Chính phủ trình Quốc hội, đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao Chính phủ giao kế hoạch vốn 13.369,468 tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023.

Chiều nay (23/5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và năm 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.

Đề xuất kế hoạch vốn hơn 13.369 tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình (Ảnh: Quochoi.vn).

Căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình là 161.848 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151,685 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, số vốn còn lại của Chương trình chưa phân bổ, chưa giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 14.151,685 tỷ đồng. 

Trên cơ sở nội dung Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội, đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao Chính phủ giao kế hoạch vốn 13.369,468 tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023.

Cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án của tỉnh Ninh Thuận với số vốn là 273 tỷ đồng, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho dự án sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn đối với các nhiệm vụ, dự án. Không thực hiện phân bổ số vốn còn lại là 509,217 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề nghị phân bổ 444,407 tỷ đồng còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để đầu tư cơ sở vật chất đối với các Trường Hữu Nghị T78, T80.

Giao Chính phủ giao 87.359,227 tỷ đồng (vốn trong nước 77.403,703 tỷ đồng, vốn nước ngoài 9.955,524 tỷ đồng) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 4 nhiệm vụ, 182 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công và nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Giao Chính phủ giao 1.000 tỷ đồng cho dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV.

Cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho dự án sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn đối với các nhiệm vụ, dự án. Cụ thể:

700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; 11.366,187 tỷ đồng (vốn trong nước 1.584,711 tỷ đồng và vốn nước ngoài 9.781,476 tỷ đồng) dự kiến bố trí cho 56 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm 16 dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và 40 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án đang trong quá trình đàm phán với nhà tài trợ);

1.180 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án BOT hầm Đèo Cả; 1.700 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Sơn La; 1.500 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) của tỉnh Bình Phước.