Đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước
(Dân trí) - Nhiều hiệp hội, địa phương, chuyên gia đồng loạt đề xuất Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Các cơ quan này đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm nay; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Các chính sách này được đề nghị ban hành trong quý I hoặc đầu quý II năm nay.
Theo VAMA, việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ trong nước đã khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cập tín dụng của doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp đang phải gồng mình đối mặt với tình trạng lượng hàng tồn kho tăng cao do sức mua trên thị trường đột ngột giảm mạnh", VAMA cho biết.
Theo báo cáo bán hàng tháng 1, doanh số bán hàng đã giảm mạnh, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước đó. "Suy giảm doanh số bán hàng những tháng trước thời điểm Tết Nguyên đán là những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam", văn bản của VAMA khẳng định.
Doanh số giảm mạnh nằm ngoài dự tính của VAMA, lượng tồn kho tăng cao đã dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp hiện tại căng thẳng.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng cho biết đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, việc sản xuất và tiêu thụ ô tô đã bị sụt giảm mạnh. Trong tháng 1, sản lượng tiêu thụ ô tô chỉ đạt 2.957 xe, giảm 4.939 xe, tương đương giảm khoảng 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 3.732 xe, giảm 55,8% so với tháng trước.
Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng dẫn thực trạng việc doanh số thị trường ô tô sụt giảm mạnh kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành cơ khí cũng bị ảnh hưởng nặng.
Lãnh đạo VAMI cho biết trước thực tế thị trường ô tô đang sụt giảm rất mạnh, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi để kích cầu.
"Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng trở lại một cách bền vững", Hiệp hội nêu
UBND tỉnh Quảng Nam dẫn lại bài học giai đoạn 2020-2022, các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Khi đó, Chính phủ đã có biện pháp hỗ trợ rất nhanh chóng và đột phá là giảm thuế trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, đột phá, kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Các hiệp hội, địa phương cũng đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ đủ lớn, tạo động lực cho người tiêu dùng, vực dậy thị trường như khi gặp khó vì Covid-19 giai đoạn 2021-2022.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ tuy không giúp giảm giá xe nhưng người mua giảm được chi phí để lăn bánh một chiếc ô tô mới, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Về phía doanh nghiệp, hai chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền, cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Thực tế, việc giảm thuế có thể khiến thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, tỷ trọng lệ phí trước bạ so với các khoản thuế phải nộp khác phát sinh từ tiêu dùng xe không đáng kể. Vì thế, tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn được đảm bảo bởi các khoản thuế, phí và lệ phí phát sinh khi người mua đăng ký sở hữu xe khác như thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí cấp biển, đăng kiểm lần đầu…