Đề xuất đưa điện vào diện bình ổn giá: Bộ trưởng Tài chính nói gì?

Mộc An

(Dân trí) - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết chưa tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc đưa điện vào diện bình ổn giá, do nguồn lực ngân sách hiện còn hạn hẹp.

Phát biểu tại thảo luận dự án Luật Giá sửa đổi chiều ngày 23/5, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng nên đưa điện vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá. Theo ông, hiện điện không nằm trong danh mục bình ổn giá được trình trong dự án Luật Giá sửa đổi mà nằm trong danh mục định giá của Nhà nước.

"Tuy nhiên, Nhà nước hiện định giá điện nhưng vẫn bao cấp, vậy sao không đưa vào quỹ bình ổn giá? 100% người dân đều tiêu thụ điện, nhiều hơn so với tiêu thụ xăng dầu, tại sao không đưa vào bình ổn? Nếu định giá mà bao cấp thì không đúng là định giá. Đưa điện vào quỹ bình ổn giá thì người dân rất hoan nghênh", đại biểu Hòa đề xuất.

Cũng trao đổi dự án Luật Giá sửa đổi và giá bán điện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) kiến nghị bổ sung một nguyên tắc Nhà nước quản lý điều tiết giá. Cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, phù hợp với quan hệ cung cầu thị trường, khả thi, không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người dân.

Ông cho biết theo lý thuyết kinh tế vi mô, giá thị trường hàng hóa dịch vụ hình thành trên cân bằng quan hệ cung cầu trong điều kiện cân bằng sẽ mang lại lợi ích hài hòa cho lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ qua thu thuế. Nhà nước không cần giao cho doanh nghiệp sản xuất gì, sản xuất bao nhiêu hay bán với giá nào.

Đề xuất đưa điện vào diện bình ổn giá: Bộ trưởng Tài chính nói gì?  - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: Quốc hội).

Ở các nước, việc bán điện theo quy luật cung cầu thị trường. Năm 2022 khi giá dầu, giá than, giá khí tăng thì chi phí sản xuất điện tăng, để người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng ở mức cần thiết mà không phải trả thêm tiền quá khả năng chi trả thì các nước có 2 cách giải quyết.

Một là ở Nhật Bản. Với mỗi kWh sử dụng, Chính phủ trả 70%, gia đình trả 30%. Qua đó giảm 20% hóa đơn tiền điện chi trả cho công ty điện.

Hai là ở Pháp. Các công ty tăng giá điện nhưng giá thực tế giảm 4% năm 2022 và 15% năm 2023 do công ty điện được Chính phủ trợ cấp 49 tỷ USD từ ngân sách. Nguồn trợ cấp tương đương khoảng 1,5% GDP. Tức là khi Chính phủ muốn công ty điện bán với giá thấp hơn giá thị trường khi chi phí tăng thì Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp không bị lỗ, phát triển bền vững.  

"Tuy nhiên Luật Giá đều không có nguyên tắc Nhà nước phải có dự trữ nguồn lực tài chính công hoặc hàng hóa để điều tiết giá điện ở Việt Nam. Chỉ có một cách là mệnh lệnh hành chính. Nhà nước quy định qua Bộ Công Thương. Không có nguồn lực nào hỗ trợ điện lực khi đầu vào tăng rất mạnh, tức là chúng ta điều tiết giá điện bằng mệnh lệnh chứ không chi một đồng nào", ông Nhân nêu ý kiến.

Đại biểu này dẫn chứng, việc EVN lỗ đến 49% vốn điều lệ, nợ 20.000 tỷ khách hàng không thể trả sẽ gặp 2 khó khăn đe dọa sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một là không thể duy tu bảo trì hạ tầng, năng lực sản xuất giảm. Hai là không vay được ngân hàng để trả các khoản đến hạn. Ông Nhân nêu thêm, nếu năm 2024 không tăng giá điện thì tổng lỗ của EVN lên tới 112.000-144.000 tỷ đồng, mất 54-70% vốn điều lệ.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công đã được phê duyệt nhưng không được sử dụng để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước, giúp EVN sang giai đoạn kinh doanh mới. Từ đó giúp tập đoàn không tiến tới trạng thái phá sản mà trở thành nòng cốt cho Quy hoạch điện 8 sắp tới.

Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã cho ý kiến về đưa giá điện vào bình ổn giá. Theo đó, hiện giá điện đã được đưa vào định giá rồi thì không đưa vào bình ổn nữa.

"Định giá có lợi cho người tiêu dùng. Vì nhiều lý do, nguồn lực chúng ta hiện nay đang còn hạn hẹp. Vấn đề đối với doanh nghiệp sản xuất điện là Tập đoàn điện lực Việt Nam thì cần sửa Luật Ngân sách để cho phù hợp. Do đó hiện Bộ xin chưa tiếp thu ý kiến này", Bộ trưởng trả lời.