Đề xuất cổ phần hóa Agribank
(Dân trí) - Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo có nhấn mạnh tới việc tiếp tục triển khai cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số ngân hàng TMCP về mức trên 65%; cũng như thực hiện cổ phần hóa Agribank.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn tất Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 để lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan nhằm trình Chính phủ trong tháng 9 tới.
Một trong những điểm nhấn của dự thảo là tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại, với mục tiêu chung đến năm 2020 là hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống, tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.
Theo nội dung dự thảo, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; Đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II.
Về định hướng chính sách đến năm 2020, dự thảo đề án đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng. Cụ thể, bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của tổ chức tín dụng.
Thực hiện cấp phép thận trọng, linh hoạt đối với việc thành lập mới ngân hàng thương mại; Tiếp tục sử dụng cấp phép cho các tổ chức tín dụng như là công cụ hữu hiệu trong cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng;
Nới lỏng quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam và các giới hạn sở hữu vốn điều lệ của thành viên góp vốn, cổ đông tại Việt Nam.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi (Luật số 06/2012/QH2013), Luật các tổ chức tín dụng (Luật số 47/2020/QH12) để trao cho Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) để cho phép sử dụng phí bảo hiểm tiền gửi do các ngân hàng nộp cho DIV để tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng như sửa đổi đồng loạt các Luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm.
Tiếp tục triển khai cổ phần hóa các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số NHTMCP về mức trên 65%; Thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam;
Áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD. Đặc biệt, dự thảo còn nhấn mạnh việc kiên quyết xử lý các TCTD, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn.
Theo đánh giá của dự thảo đề án, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và hệ thống tài chính chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia.Tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng chậm; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt được kế hoạch. Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Việc điều hành tín dụng chưa gắn được với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn. Lãi suất tín dụng trong thời gian từ 2012 đến nay - dù có xu hướng giảm - nhưng chưa tạo dựng được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung và dài hạn làm; khiến cho doanh nghiệp giảm động lực thực hiện hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn.
Nguyễn Hiền