1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tái cơ cấu ngân hàng: “Lưỡi kéo” của Ngân hàng Nhà nước mạnh đến đâu?

(Dân trí) - Cho đến nay, không khó để nhận thấy, cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được những thành công nổi bật nhất trong số 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã thực hiện. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, ngành Ngân hàng cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”…

“Nhiều cái phức tạp lắm”

Khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng, nhiều vấn đề bất cập, hạn chế trong hệ thống ngân hàng được tích tụ từ nhiều năm trước đây đã bộc lộ ra khá rõ nét, chẳng hạn như sự phát triển về quy mô quá rộng, tăng trưởng tín dụng nóng, sở hữu chéo “nhằng nhịt”, sự rối loạn về lãi suất, thị trường vàng, ngoại hối như một con ngựa bất kham... dẫn đến sự thiếu an toàn trong hoạt động của một số tổ chức tín dụng (TCTD). Bởi vậy, cơ cấu lại hệ thống các TCTD Việt Nam là vấn đề không hề dễ dàng và trên thực tế có khá nhiều ý kiến hoài nghi khi quá trình này được khởi động.

Cũng thời điểm đó, người viết đã có cuộc trò chuyện với một chuyên gia nổi tiếng và cũng khá khó tính về chủ đề này. Ông yêu cầu tôi không để lộ danh tính vì ông cũng là một “người quen” đối với ngành Ngân hàng và đã từng nhiều lần phản ứng rất gay gắt về một số vấn đề của hệ thống ngân hàng.

 


Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quy mô hệ thống được thu hẹp, giảm 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua nhiều giải pháp.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quy mô hệ thống được thu hẹp, giảm 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua nhiều giải pháp.

 

Khi được hỏi: “Ông nhận định như thế nào về triển vọng thành công của việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD Việt Nam?”, tôi chỉ nhận được câu trả lời khá chung chung và mơ hồ, đại loại là sẽ đạt được những kết quả nhưng cần phải có thời gian lâu dài. Đành phải chấp nhận với câu trả lời này vì thực ra không thể tìm kiếm một câu trả lời cụ thể hơn khi mà việc giải quyết một vấn đề lớn mới chỉ đang ở giai đoạn “khởi động”.

Cũng cần nói thêm, trên các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ có vô khối ý kiến, quan điểm, nhận định của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp và cả người dân, mà nếu là người làm chính sách về ngân hàng đọc sẽ cảm thấy “rát mặt”.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ thắng thắn: “Tôi đã theo dõi và cũng từng làm trong ngành nhiều năm rồi, tôi biết, nhiều cái phức tạp lắm. Muốn tái cơ cấu các TCTD thì trước hết phải thay đổi cái lối tư duy, một người còn khó huống hồ cả hệ thống; tiếp đó là thay đổi cơ chế, chính sách; rồi tiếp đó là tổ chức triển khai thực hiện, thanh tra, giám sát… cũng phải thay đổi theo. Đặc biệt, cơ cấu lại hệ thống TCTD chẳng khác nào chơi dao, đâm đầu vào những “tổ kiến lửa” bởi những cổ đông lớn, ông chủ của các ngân hàng là những người lắm tiền, nhiều của, quan hệ rộng. Tuy nhiên, NHNN đã rất dũng cảm khi quyết liệt triển khai đề án tái cơ cấu. Trước đây, cũng có người hoặc không muốn làm, hoặc muốn nhưng không làm nổi”.

Thuận theo lời khuyên từ vị khách của mình, tôi không viết nhiều về tái cơ cấu và chờ xem “lưỡi kéo” của NHNN “mạnh dạn” tới đâu hay chỉ là hớt những đầu chỉ thừa trong một tấm áo quá rộng bao phủ lên một cơ thể đã hom hem, gầy yếu.

Gỡ “đống chỉ rối”

Sau 4 năm, khi kỳ họp Quốc hội thứ IX, khóa XIII vừa kết thúc, trong một quán cà phê, gợi lại câu chuyện cũ với vị khách khả kính của mình, ông cười khà khà, thán phục: “Kể cũng giỏi thật. Chỉ trong ngần ấy thời gian mà NHNN đã gỡ được cả một đống chỉ rối”. Cái “đống chỉ rối” như ông nói, quả thật nếu không giải quyết sẽ để lại rất nhiều hệ lụy, thậm chí có thể là nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống.

Nói như TS.Lê Thẩm Dương, NHNN đã chọn đúng cái cần “tái” để “tái”. Điều này rất quan trọng vì chọn sai sẽ hỏng hết. Tiếp đó là các giải pháp để “tái” phải phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Đến nay, hệ thống ngân hàng đã trở nên “khỏe mạnh” hơn, thanh khoản được cải thiện rõ rệt. Quy mô hệ thống được thu hẹp, giảm 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua nhiều giải pháp. Đặc biệt, cái hay là NHNN đã kết hợp hài hòa giữa các cương và cái nhu để đạt được mục đích. Nhu là để cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất dưới hình thức tự nguyện; còn cương là buộc mua lại 0 đồng 3 TCTD khi những tổ chức này đã được NHNN cho cơ hội nhưng không khắc phục được sai phạm. Tình trạng sở hữu chéo cơ bản được xử lý. Quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo. Nợ xấu được xử lý quyết liệt, không sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhưng đã giảm mạnh từ mức trên 17% thời điểm tháng 9/2012 xuống còn khoảng 2,9%.

Có những cá nhân sai phạm nghiêm trọng như Nguyễn Đức Kiên, Phạm Công Danh… bị truy tố và xử lý hình sự; hàng loạt TCTD thay “tướng” vì yếu kém trong quản trị; kỷ luật, kỷ cương thị trường được thắt chặt; tính minh bạch, chất lượng tài sản, quản trị, điều hành ngày càng được nâng cao, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế…

Rõ ràng, những kết quả trên là rất ấn tượng. TS.Lê Thẩm Dương bảo: “Trước đây tôi cũng có rất nhiều điểm không đồng tình với NHNN về tái cơ cấu hệ thống TCTD, nhưng đến nay thì tôi thực sự thán phục”.

Lam Sơn

 

Tái cơ cấu ngân hàng: “Lưỡi kéo” của Ngân hàng Nhà nước mạnh đến đâu? - 2