Đề xuất cho tư nhân làm lưới điện truyền tải, "ông lớn" bớt độc quyền?

(Dân trí) - Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

Đề xuất cho tư nhân làm lưới điện truyền tải, ông lớn bớt độc quyền? - 1

Để tư nhân có thể đầu tư lưới điện truyền tải, Bộ Công Thương đề xuất đề cập nội dung này trong Luật PPP sắp trình Quốc hội thảo luận.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về nhiệm vụ xây dựng tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật điện lực nội dung nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công Thương cho biết việc ban hành Nghị quyết này phải thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong khi nhiệm vụ này chưa được xem xét trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

"Vì vậy, để thực hiện các thủ tục xây dựng, trình ban hành Nghị quyết theo quy định có thể mất nhiều thời gian, trong khi tiến độ dự kiến Luật PPP trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 - 6/2020", Bộ Công Thương cho biết.

Theo Bộ Công Thương, Luật điện lực và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã quy định về phạm vi đầu tư, thoả thuận đấu nối giữa các bên mua, bán, sử dụng diện.

Các đơn vị phát điện, phân phối, khách hàng sử dụng điện có thể thoả thuận về phạm vi đầu tư để đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện hoặc sử dụng điện từ hệ thống.

"Đối với phạm vi đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải khác là chưa có quy định tại các quy định pháp luật về điện lực. Đặc biệt, đối với hệ thống điện truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch thì cần cân nhắc kỹ việc có cho phép đầu tư tư nhân hay không, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia", Bộ Công Thương cho biết.

Bộ này cũng cho rằng việc ban hành Nghị quyết giải thích độc quyền nhà nước về hoạt động truyền tải trong Luật điện lực sẽ tránh mâu thuẫn giữa Luật điện lực và Luật PPP về việc đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải.

Tuy nhiên, việc giải thích độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất về cụm từ này trong Luật điện lực, đặc biệt là quy định về cấp phép hoạt động truyền tải và quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện.

Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, nếu chỉ ban hành Nghị quyết giải thích cho Luật Điện lực cũng chưa giải quyết tổng thể các vấn đề.

Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

"Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của luật này", Bộ Công Thương cho biết.

Còn đối với trường hợp đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy điện/cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, cần thực hiện trên cơ sở thỏa thuận đấu nối theo quy định pháp luật hiện hành.

Trường hợp vướng mắc trong thỏa thuận đấu nối, nhà đầu tư hoặc điện lực đề xuất Bộ Công Thương giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng giải quyết.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị được giao rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực theo tinh thần Nghị quyết 55 về đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.

Trong khi đó, góp ý với Bộ Công Thương, EVNNPT cho rằng hệ thống truyền tải điện quốc gia mang tính xương sống và huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng. Quá trình đầu tư, quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối... Nếu không sẽ dẫn tới sự cố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đảm bảo cung cấp điện và đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng. Do đó, hệ thống truyền tải điện quốc gia Nhà nước cần phải độc quyền trong cả đầu tư, quản lý vận hành.

Gần đây dư luận cho rằng cần xã hội hóa lĩnh vực truyền tải điện, nhất là sau khi các dự án năng lượng tái tạo được xây dựng ồ ạt nhưng không có đường dây truyền tải kết nối, làm lãng phí đầu tư trong khi nguồn cung điện đang thiếu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp tư nhân có thể triển khai đầu tư lưới truyền tải là đáng hoan nghênh trong bối cảnh đầu tư của ngành điện rất lớn, cần được đa dạng hóa.

Mới đây, một doanh nghiệp còn muốn thay Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5km.

Nguyễn Mạnh