Để tín dụng tiêu dùng đến gần hơn với người dân

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tín dụng tiêu dùng là loại hình dịch vụ phổ biến ở các nước trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, hình thức cho vay này vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người, chưa tiếp cận sâu rộng đến người dân.

Giải pháp hữu ích cho người gặp khó khăn về tài chính

Nhiều năm trước, khi có nhu cầu vay vốn, người dân thường tìm đến các ngân hàng để vay thế chấp, nghĩa là để vay tiền, khách hàng phải có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đối với các khoản nhỏ, khoảng 10 triệu đồng, khách hàng ít đến ngân hàng vì tâm lý "ngại" thủ tục và thời gian xử lý lâu. Sự xuất hiện của các công ty tài chính giống như một giải pháp cứu cánh đối với người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn.

Để tín dụng tiêu dùng đến gần hơn với người dân - 1
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT.

Trả lời bạn đọc trong buổi tọa đàm "Đẩy lùi tín dụng đen, tăng cường tín dụng chính thức", ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT cho biết: Việc ra đời và tồn tại của các công ty tài chính tiêu dùng là phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho các khách hàng không thể tiếp cận dịch vụ cho vay của ngân hàng thương mại có thể tiếp cận nguồn vốn phục vụ nhu cầu đời sống và thúc đẩy tiêu dùng trong xã hội.

Các công ty tài chính chính thống là sự lựa chọn vừa an toàn, thông tin minh bạch, vừa dễ dàng, tiện lợi cho người dân khi có nhu cầu vay tiền thông qua các chính sách vay đa dạng, thời hạn linh hoạt, thủ tục phê duyệt đơn giản, nhanh chóng. Đặc biệt, các khoản vay đều được giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước, mức lãi suất công khai, tuân thủ theo quy định; mọi điều khoản, quyền lợi, nghĩa vụ, thời gian,… đều được quy định rõ trong hợp đồng.

Đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khiến hàng loạt cơ sở tạm ngừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; chủ sơ sở nợ lương, người lao động mất việc làm khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu dùng và kinh doanh tăng cao. Để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp, các Tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại đưa ra nhiều chính sách về sản phẩm cho vay cũng như giảm lãi suất.

Theo bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và tổ chức tài chính đang tích cực đẩy mạnh số hóa để tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, đơn giản thủ tục để thuận tiện hơn cho khách hàng, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.

Bà Hồng cũng cho biết thêm, các công ty tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ tài chính tiêu dùng tới người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019, Ngân hàng Nhà nước vạch ra 7 mục tiêu, trong đó có việc phát triển các tổ chức tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính vi mô nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Ngoài ra, ngân hàng nhà nước cũng sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô mở rộng mạng lưới giao dịch tới vùng sâu, vùng xa.

Cho vay tiêu dùng là loại hình cung cấp khoản vay cho cá nhân nhằm phục vụ mục đích tiêu dùng như mua sắm, du lịch, chi trả y tế, đi lại,… của cá nhân và hộ gia đình. Các chuyên gia dự đoán, đây sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai nhưng làm thế nào để người dân có thể tiếp cận với nguồn tài chính uy tín này cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành khác nhau, từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho tài chính tiêu dùng tăng trưởng cho đến công tác tuyên truyền để người dân tránh xa tín dụng đen, thay vào đó sẽ tìm đến các ngân hàng thương mại hoặc các công ty tài chính hợp pháp.