1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề phòng chủ “mất tích”, doanh nghiệp FDI phải đặt cọc

(Dân trí) - Trước thực trạng các chủ doanh nghiệp FDI liên tục "bỏ trốn" thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết trong đó yêu cầu có các chế tài hoặc quy định phải đặt cọc với nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP về việc định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Chính phủ, ĐTNN đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Tính đến tháng 6/2013, đã có 15.067 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 218,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 106,3 tỷ USD.

ĐTNN trở thành nguồn bổ sung quan trọng cho tổng vốn đầu tư xã hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động trực tiếp và 3-4 triệu lao động gián tiếp...

Hàng ngàn người lao động bơ vơ khi chủ doanh nghiệp FDI bất ngờ lặn sủi tăm (ảnh: Lao động).
Hàng ngàn người lao động bơ vơ khi chủ doanh nghiệp FDI bất ngờ "lặn sủi tăm" (ảnh: Lao động).

Tuy nhiên, do khung pháp lý chưa chặt chẽ nên xảy ra một số doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường; một số doanh nghiệp ĐTNN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động...

Đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây, tại các doanh nghiệp ĐTNN còn xảy ra hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp “vắng chủ” bỏ rơi người lao động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn số liệu thống kê của các địa phương cho thấy, đến hết tháng 5/2013 đã có tới 518 doanh nghiệp ĐTNN vắng chủ, chủ yếu tập trung tại các lĩnh vực dịch vụ và đều đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Đa số các nhà đầu tư thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác nhưng không có hoạt động kinh doanh hay xây dựng cơ bản.

Do vậy, tại Nghị quyết lần này, Chính phủ đã đưa ra những hướng giải quyết cơ bản và yêu cầu các bộ ngành, cơ quan chức năng thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại của khu vực doanh nghiệp ĐTNN.

Theo đó, để hoàn thiện tiêu chí cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Thủ tướng yêu cầu, đối với dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, cơ quan cấp GCNĐT cần chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn của nhà đầu tư, có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.

Phương án yêu cầu các doanh nghiệp ĐTNN phải đặc cọc, ký quỹ khi đầu tư vào Việt Nam đã được nhiều chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên, có ý kiến quan ngại, thực hiện điều này, Việt Nam dễ "một mình một chợ" và bất lợi trong thu hút đầu tư so với các quốc gia khác. Cũng có nhận xét, đây chính là nguyên nhân của việc thu hút thiếu chọn lọc trong thời gian qua.

Tại Nghị quyết lần này, Chính phủ cũng đã đề cập chi tiết đến những giải pháp về hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực; điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét, không chỉ riêng các doanh nghiệp ĐTNN mà các DN trong nước cũng có hiện tượng “vắng chủ”. Năm 2012 Chính phủ đã có chỉ đạo hỗ trợ người lao động tại những DN “vắng chủ”, góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn hoặc chuyển việc.

Để xử lý căn cơ tình trạng DN “vắng chủ”, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư năm 2005. Trong quá trình sửa đổi, chưa ra đời các quy định mới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, nơi có nhiều Khu công nghiệp, bám sát từng trường hợp cụ thể trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm