Hơn 500 doanh nghiệp FDI bỗng dưng “vắng chủ”

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được với chủ đầu tư đã gia tăng đáng kể.

Người lao động tại các doanh nghiệp này bị mất việc làm, bị nợ lương. Trong khi đó, chính sách lại không có quy định nào hỗ trợ người lao động trong trường hợp này.
 
Hơn 500 doanh nghiệp FDI bỗng dưng “vắng chủ”
Nhà máy Luxfashion - dự án có tổng mức vốn đầu tư trên 193 triệu USD (KCN Giám Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) hoang vắng hơn 1 năm qua khi chủ đầu tư nước ngoài bỏ về nước. Ảnh: Đoàn Tất Thảo

 

Trên 500 DN FDI “vắng chủ”

 

Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã có cả một danh sách các DN FDI cần “truy tìm tung tích” như Cty TNHH Deok Chang Complex, Cty TNHH Woodus, Cty TNHH LD Scanmach Việt Nam, Diing Long Việt Nam... vì chủ đầu tư đã rời khỏi địa chỉ kinh doanh một cách bí mật, không để lại dấu vết.

 

Ngoài Bình Dương, một số địa bàn khác thu hút được lượng vốn FDI lớn như TPHCM, Hà Nội... cũng có một danh sách dài các DN FDI “vắng chủ” cần truy tìm. Có thể kể tới các trường hợp như Cty Shin Cap (100% vốn Hàn Quốc tại TPHCM); Cty Hojin (TPHCM); Kwang Sung Việt Nam (Đồng Nai); Tân Đài Việt (Thái Bình)...

 

Tính chung cả nước, thống kê của các sở kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), ban quản lý các KCN, KCX, KCN cao, khu kinh tế tính đến ngày 31.5 đã có tới 518 DN FDI “vắng chủ”. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN, dự án này là khoảng 903.110.000USD. Trong đó, hai địa phương “đầu tàu” là Hà Nội và TPHCM dẫn đầu số DN FDI bỏ trốn với lần lượt là 105 và 166 DN.

 

Các DN “vắng chủ” này chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ như quản lý DN, xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm, ăn uống, nhà hàng... Theo Bộ KH&ĐT, phần lớn những DN này là của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Trung Quốc thực hiện. Bộ KH&ĐT cũng cho biết, các nhà đầu tư này đã thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Tình trạng chủ DN bỏ trốn là do kinh doanh thua lỗ nên buộc phải ngừng hoạt động, đóng cửa. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, gần đây đã xuất hiện tình trạng một số DN FDI hoạt động không lành mạnh, sau khi đã đạt được mục đích là huy động được vốn, đưa NLĐ vào Việt Nam thì các chủ DN này liền bỏ về nước.

 

NLĐ mong được hỗ trợ

 

Mặc dù các DN, dự án “vắng chủ” chỉ ở mức quy mô nhỏ (dưới 500.000USD) nhưng để hậu quả khó giải quyết và kéo dài nhiều năm. Hầu hết các DN trên đều nợ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả lại sổ bảo hiểm cho NLĐ ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ bảo hiểm của NLĐ.

 
Chưa có bất cứ một thống kê chính xác số NLĐ là nạn nhân của tình trạng bỏ trốn nêu trên nhưng đã có rất nhiều trường hợp NLĐ muốn khởi kiện để đòi quyền lợi. Nhưng cái khó của NLĐ và ngay cả các chủ nợ của DN là không nộp được đơn kiện lên tòa án vì không xác định được địa chỉ của bị đơn. Trong trường hợp muốn xử lý bằng hình thức trọng tài nhưng lại không có thỏa thuận trọng tài từ trước đó. Nên khi chủ đầu tư bỏ về nước thì cũng không thể xử lý bằng hình thức này.

 

Do khó khăn nên rất nhiều trường hợp NLĐ đã gửi đơn yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, nhưng cơ quan nhà nước không thể hỗ trợ NLĐ do chưa có quy định. Bộ KH&ĐT cho biết, trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 23.1.2009 về hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong các DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

 

Tuy nhiên, quyết định này lại chỉ có hiệu lực trong năm 2009 (cùng với rất nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi đó). Từ sau 2009 tới nay, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc hỗ trợ NLĐ trong trường hợp như trên nữa.

 

Cơ quan quản lý lúng túng

 

Ngoài các hậu quả NLĐ phải gánh chịu, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể thu hồi được giấy chứng nhận đầu tư, con dấu. Theo danh sách, “ở Đồng Nai có gần 50 DN FDI thuộc diện “vắng chủ” nhưng chúng tôi mới chỉ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, số còn lại chưa xử lý được” - ông Võ Thanh Lập - Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Đồng Nai - cho biết.

 

Ông Trần Hào Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) - thừa nhận thời gian gần đây, số lượng DN, dự án FDI không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được gia tăng đáng kể. “Điều này buộc chúng ta phải có hướng xử lý” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận một tình trạng là pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với DN FDI vắng chủ. “Việc giải thể, thanh lý DN đối với các DN FDI vắng chủ, có phát sinh các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác cũng không dễ dàng. Thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác cũng khó, vì còn phải xử lý các tài sản đã hình thành trên đất...” - ông Hùng nêu bất cập.

 

Ngay cả việc xác định thời gian tối đa DN được tạm ngừng hoạt động cũng vẫn chưa rõ ràng. Hiện nay theo khoản 2, Điều 64 Luật Đầu tư: Dự án FDI chỉ được tạm dừng không quá 12 tháng. Còn theo khoản 3, điều 57 Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì thời gian tạm ngừng kinh doanh tối đa của DN là 2 năm liên tục.

 

Do đó, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị bổ sung quy định nhà đầu tư phải đặt cọc, ký quỹ đối với các dự án thuê đất từ Nhà nước, dự án được Nhà nước giải phóng mặt bằng hay dự án sử dụng nhiều đất, tác động lớn tới đời sống xã hội. Bộ này cũng đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không hoạt động trong 6 tháng mà không báo cáo.

 

Theo Lưu Thủy

Lao động