1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề nghị xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện

(Dân trí) - Ngành điện đang phải bù chéo cho ngành xi măng, ngành thép là 2.547 tỷ đồng, trong đó liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thép là 506 tỷ đồng là không hợp lý. Cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện.

Đó là ý kiến của đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực sáng 20/6.

Để phản ánh đúng cơ chế thị trường trong lĩnh vực kinh doanh điện, theo đại biểu Nga, không nên đưa điện thuộc lĩnh vực công ích, lĩnh vực chính sách và cơ cấu giá thành mà nên hỗ trợ bằng các chính sách khác, cũng không nên bù chéo giá điện giữa sản xuất và sinh hoạt, giữa các ngành sản xuất với nhau.

“Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn trước Quốc hội tại chiều ngày 24/11/2011 thì ngành điện phải bù chéo cho ngành xi măng, ngành thép là 2.547 tỷ đồng. Trong đó liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài cho sản xuất thép là 506 tỷ đồng, như vậy ngành điện lại phải bù chéo cho cả nước ngoài, theo tôi là không hợp lý. Tôi đề nghị cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện”, đại biểu Nga cho hay.

 
Theo lộ trình, đến năm 2022 thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh.
Theo lộ trình, đến năm 2022 thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) lại băn khoăn với phí điều tiết hoạt động điện lực dự kiến bổ sung vào dự thảo Luật. Loại phí này được các đơn vị điện lực trả cho Cục điều tiết điện lực, một cơ quan thuộc Bộ Công Thương.

“Phí điều tiết điện lực tồn tại có hợp lý hay không còn phụ thuộc vào vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Cục điều tiết điện lực. Nếu làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện lực, Cục điều tiết điện lực không được thu loại phí này vì về nguyên tắc chi phí thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước phải được ngân sách nhà nước đảm bảo. Phí chỉ được thu khi Cục điều tiết điện lực trở thành một đơn vị hoạt động độc lập tham gia thị trường điện lực và thực hiện các dịch vụ điều tiết hoạt động điện lực”, đại biểu Trang nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn ý kiến của mình, bà Trang nêu ví dụ tại Thái Lan, cơ quan điều tiết năng lượng được thành lập năm 2007 để đảm nhận chức năng điều tiết điện lực độc lập với chức năng lập chính sách của Văn phòng chính sách và kế hoạch năng lượng. Do đó, họ được phép thu phí điều tiết hoạt động điện lực.

Ngoài ra, theo đại biểu này, tiêu thụ điện năng phải được xem như là tiêu chí ưu tiên khi xét duyệt các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Ai xét duyệt cấp phép cho những dự án tiêu thụ nhiều điện năng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần bổ sung cơ chế thưởng phạt đối với các địa phương về mức độ tiêu thụ điện năng để ràng buộc trách nhiệm của các địa phương đối với vấn đề an ninh năng lượng của đất nước.

Về giá bán lẻ điện, đại biểu này tán thành với phương án 2 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, là nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện không khoán trắng cho doanh nghiệp. Theo đó các đơn vị điện lực được định giá điện bán lẻ theo khung giá và cơ chế điều chỉnh giá do Chính phủ quy định.

“Luật sửa đổi lần này cũng cần có quy định chặt chẽ để góp phần quan trọng vào việc thực hiện phương án tái cơ cấu ngành điện, chấm dứt đầu tư thua lỗ ngoài ngành, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tổ chức quản trị tốt để giảm chi phí sản xuất, có như vậy mới đảm bảo có một giá điện hợp lý”, đại biểu Trang nói.

Tán thành với ý kiến của đại biểu Trang về phí điều tiết điện lực, đại biểu Nga cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hiện nay đã có đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hay chưa, chức năng và nhiệm vụ của đơn vị này với Cục điện lực có chồng chéo nhau không. Dự thảo luật cũng cần thể hiện được sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và sự tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cũng về giá điện, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) dẫn báo cáo của Bộ Công Thương, đến năm 2011 EVN đang chủ sở hữu quản lý vận hành 57% tổng công suất đạt nguồn điện toàn hệ thống, nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ thì cổ phần chi phối lên đến 87% tổng công suất toàn hệ thống. Hệ thống truyền tải điện và phân phối điện hiện nay là 100% là vay vốn nhà nước và người tiêu dùng chủ yếu mua từ 1 nguồn điện đó là EVN.

Với thực trạng chưa có sự cạnh tranh như thế này thì việc đẩy giá điện theo giá thị trường rất khó, cho nên tôi tán thành với đề xuất giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường và có sự điều tiết của nhà nước.

Do đó, vị đại biểu này đề nghị Nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường vì theo kế hoạch chung là đến năm 2022 mới thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh, càng kéo dài sự điều tiết của nhà nước thì càng bất lợi cho nền kinh tế.

“Hơn nữa tôi cũng thấy rằng việc giữ giá điện thấp chưa đúng với giá thực như hiện nay cũng có nhiều nhược điểm lớn đã tác động đến nhiều ngành sản xuất. Cụ thể đó là giá thành sản xuất của một số ngành chưa thực sự phải là giá thực và được hưởng lợi từ giá điện thấp hoặc bù chéo giá nguyên liệu cho ngành điện như than chẳng hạn cũng gây thiệt hại cho các ngành khác. Hơn thế giá điện thấp khó thu hút đầu tư vào ngành điện để góp phần tạo thị trường cạnh tranh thật sự, nên sớm đưa giá điện trở về giá thực của nó là hết sức quan trọng”, đại biểu Phương góp ý.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm