Đề nghị tăng gấp đôi mức phạt để chống gian lận thuế
(Dân trí) - “Tình trạng tiêu cực thuế là thực tế hiện nay, lịch sự nhất là lách luật, còn phổ biến là gian lận, trốn thuế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu nhận định trong phiên thảo luận về luật Quản lý thuế sửa đổi tại UB Thường vụ hôm nay.
Trước thực trạng tiêu cực, gian lận thuế ngày càng phức tạp, UB tài chính ngân sách – cơ quan thẩm tra dự án luật Quản lý thuế sửa đổi đề nghị tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong việc nộp, khai thuế.
Theo luật hiện hành, người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày cũng đã gấp đôi lãi suất ngân hàng trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng bình thường, lạm phát ở mức lành mạnh (4-5%). Nhưng thực tế lạm phát cao như hiện này, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn khi lãi suất vay lên tới 23-24%. Mức phạt 0,05%/ngày do đó trở thành tương đối thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Hiển đề xuất sửa luật theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Tán thành ý kiến này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mức phạt phải cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng mới có ý nghĩa.
“Giải trình” trực tiếp tại UB Thường vụ, Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ lập luận, mức phạt với hành vi chậm nộp thuế như đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cao hơn rất nhiều lãi suất ngân hàng. Nếu phạt nặng quá có thể dẫn đến tình trạng đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và rất khó để ngăn ngừa việc đó.
“Cần tính một mức phạt hợp lý nhất, song 0,05%/ ngày đối với hành vi chậm nộp tiền thuế là lạc hậu” – ông Hiển bảo lưu quan điểm.
Về mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Để bảo đảm tính răn đe và nâng cao hiệu quả thực thi quy định về chế tài xử phạt, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nâng mức phạt lên gấp đôi.
Khung mức phạt từ 1- 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế đang được áp dụng cũng được cơ quan thẩm tra đề nghị thu hẹp từ 2 - 3 lần để nâng cao hiệu lực quản lý.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra cũng nêu thực tế, hành vi trốn thuế hiện có nhiều biểu hiện, diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc xử lý cần gắn trách nhiệm người nộp bằng cách tăng hình thức xử phạt như sai phạm trong việc hoàn thuế cần tăng từ 10-20%. Tình hình tiêu cực, nhũng nhiều, vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ thuế cũng là thực tế và hướng quy định để DN tự kê khai, đi nộp sẽ hạn chế được tình trạng này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn cho rằng: “Tình trạng tiêu cực thuế là thực tế hiện nay, lịch sự nhất là lách luật, còn phổ biến là gian lận, trốn thuế”. Nhưng chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, luật xây dựng cần phân biệt đối tượng cố tình gian lận thuế với trường hợp gặp khó khăn, rủi ro trong kinh doanh để quy định cho phù hợp, trên tinh thần trân trọng người nộp thuế.
Theo chương trình dự kiến, luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được áp dụng từ năm 2014.