1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề nghị “mổ xẻ” hệ thống ngân hàng

(Dân trí) - Trước tình trạng các doanh nghiệp sản xuất lao đao vì vốn còn các ngân hàng thương mại báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thanh tra toàn diện hệ thống ngân hàng thương mại.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM), các NH đều có lãi khổng lồ trong bối cảnh tài chính khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ “kêu trời” vì lãi suất cao và chật vật trong làm ăn.
 
Đề nghị “mổ xẻ” hệ thống ngân hàng - 1
Nhiều ngân hàng lãi "khủng" trong khi phần lớn các DN gặp khó khăn (Ảnh minh họa)

 

Theo đó, lợi nhuận của các NH nhóm lớn như Vietinbank, Vietcombank, Sacombank hay Eximbank đều ở mức đáng mơ ước, lần lượt là 3.619 tỷ, hơn 3.000 tỷ, 1.490,5 tỷ và 1.690 tỷ đồng trong hai quý đầu năm 2011. Hàng loạt NHTM khác cũng công bố lãi từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

 

Con số của Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, tổng dư nợ tín dụng của các NH hiện bằng 1,2 lần GDP, gấp đôi mức của nhiều quốc gia khác. Điều đó cho thấy các NHTM chính là kênh vốn chính cho nền kinh tế, nên dù có rất nhiều NHTM tham gia hệ thống NH nhưng tình trạng “bao sân”, “cửa trên” với doanh nghiệp vẫn xảy ra.

 

Mức chênh lệch lãi suất huy động - cho vay của các NHTM vẫn liên tục tăng trong những năm gần đây, từ 3,42% năm 2005 lên tới 6 – 10% trong năm 2011 (huy động 14% nhưng cho vay từ 20 – 25%). Như vậy, lãi của ngành ngân hàng đã đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ, vào thế vay vốn với lãi cao, sản xuất kinh doanh chật vật.

 

Tại phiên thảo luận tại tổ ngày hôm qua (4/8), nhiều đại biểu coi đây là bất cập của nền kinh tế và đề nghị cần thanh tra toàn diện để “mổ xẻ” những khoản lãi khổng lồ của các NH.

 

Theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc, việc các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, còn NH thì lãi cao nhưng nhiều  NH vẫn không chịu nâng dự trữ bắt buộc lên 3.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ là điều khó hiểu.

 

“Cần thanh tra toàn diện hệ thống NHTM, anh nào chưa đủ năng lực thì sáp nhập hoặc có giải pháp tích cực với họ”, ông Lộc đề nghị.

 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng thẳng thắn cho rằng NHNN đã không “trừng trị” các NHTM đối với việc đẩy lãi suất huy động vượt trần. “Mong tân Thống đốc cho thanh tra để đưa ra giải pháp cụ thể, làm sao để lãi suất vay mở mức hợp lý 17 - 18%, thay vì 22% như hiện nay.

 

Đặt dấu hỏi về tính xác thực trong báo cáo của Chính phủ về dư nợ tín dụng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chính sách giảm thuế cho DN chỉ là mang tính động viên. Giải pháp căn cơ cho DN chính là việc được tiếp cận vốn NH với lãi suất hợp lý.
 

“Thử hình dung 6 tháng cuối năm vốn không đến được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ như thế nào?”, bà Tâm băn khoăn.

 
Trước đó, trong 10 kiến nghị của UB Kinh tế Quốc hội khóa XII gửi Quốc hội khóa XIII cũng nhắc đến việc tái cơ cấu hệ thống NH để loại thải những NH năng lực yếu theo quy luật thị trường, để làm vững mạnh hệ thống tài chính trong nước và tránh những “cuộc đua” lãi suất thường do các NH nhỏ khởi xướng.

 

Trao đổi với báo giới, ông Vũ Viết Ngoạn – tân Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nói rằng đây là yêu cầu bức thiết phải làm nhưng cần có lộ trình, kế hoạch dài hạn vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, có lo ngại về việc đổ vỡ của một NH dẫn đến hiệu ứng sụp đổ hàng loạt.

 

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm